Chuyện "giải quyết khâu oai"

(NTO) Trong cuộc sống, có lẽ mỗi người đều muốn chứng tỏ mình trước tập thể, những người xung quanh hoặc ngay trong gia đình. Đó là lẽ thường tình, bởi qua đó con người hiểu nhau hơn và các mối quan hệ giữa người với người kết nối, dần dần phát triển.

Tuy nhiên, lại có một số người thích chứng tỏ mình “quan trọng” hơn người khác, bởi nếu không, thì chẳng ai biết họ. Trong cuộc sống thường nhật, nếu để ý một chút sẽ thấy ngay, từ nhà ra ngoài ngõ, ở đâu cũng có người “thích ra oai” như vậy.

Từ chuyện thôn xóm

Xóm tôi ở là xã tiếp giáp với thành phố. Người dân trong xóm đa phần làm rẫy, chăn nuôi. Mọi chuyện vui, buồn ở bất kỳ gia đình nào chỉ cần sau ít phút là ai ai cũng biết. Tôi vốn làm ở cơ quan huyện nên được khá nhiều người trong xóm quan tâm. Có lần, chị nhà bên hỏi: Này chú, sắp tới huyện mình ai làm bí thư, chú biết không? Tôi nói: Chuyện cán bộ là của cấp trên, chị hỏi em chẳng khác gì bảo em hỏi cái đầu gối em vậy!? Chị không chịu: Chú cứ quan trọng, nghe nói mấy người bán tạp hoá người ta cũng biết. Thấy vậy, tôi giải thích: Có lẽ, bà con mình quan tâm đến việc của Đảng, của chính quyền nên họ bàn thảo vậy thôi, còn ai làm bí thư chỉ sau khi kết thúc Đại hội Đảng bộ của huyện mới biết. Nghe tôi nói xong, chị buông một câu nghe mà chua chát: Thực ra, ai làm bí thư huyện nhiệm kỳ này đầu làng, cuối xóm ai cũng biết rồi, chị hỏi là cho chắc thôi, ai dè chú chẳng hơn chị!. Vậy ra đối với người dân trong xóm, cán bộ như tôi chuyện “triều chính” dở hơn chính họ, lần sau thì cứ nói đại cho nó “oai” mất gì đâu, lại được tiếng mình hiểu biết và quan trọng!?

Đến cơ quan

Đám bạn già (chỉ còn ít năm nữa sẽ trở về làm “ô sin” tại gia) chúng tôi có dịp là cùng nhau ôn lại những gì đã trải qua, vừa là có chuyện để nói, vừa trải nghiệm cuộc sống. Trong dịp gặp nhau mới đây, anh bạn vốn khôi hài hỏi: Tôi nghe báo chí viết, thời nay ai cũng quan trọng, cơ quan nào cũng quan trọng và nếu tập hợp lại cái “quan trọng” chúng ta có trái mít, gọi cho nó hình ảnh một chút là “hội chứng trái mít”, các ông thấy có đúng không?. Anh bạn lớn tuổi nhất nhóm, làm việc cơ quan hàng chục năm lên tiếng: Cái thời mình làm việc chỉ biết “quên mình cho hết thảy” (thơ Tố Hữu), từ lính đến quan thân thiện như anh em một nhà, quan còn khổ hơn lính nên làm gì có kiểu “trái mít” nhưng giờ đây, cái sự đề cao mình quá đáng có chiều hướng gia tăng. Rồi anh cho biết: Mình vào hàng U60 rồi, ở cơ quan có cô gái đáng tuổi con vừa được bổ nhiệm làm phó phòng, ngay ngày hôm sau khi nhậm chức chuyển văn bản cho mình với bút tích “chuyển đồng chí…. thực hiện”, bị con trẻ dội nước nóng ai mà chịu nổi, may mà mình qua phòng nhẹ nhàng hỏi “Phó phòng cho biết thực hiện như thế nào?”, nó ớ người ra không nói được bởi Phó phòng vốn là chuyên viên yếu nhưng lại thích lên giọng “lãnh đạo”. Nghe vậy, anh bạn cùng cơ quan góp thêm: Cô bé "trẻ người, non dạ" thôi thì ông thông cảm, từ từ giúp đỡ cháu nó, tôi có chuyện này hay hơn kể các ông nghe. Tuần rồi, cơ quan mình tiếp đoàn ngang cấp về kiểm tra công tác chuyên môn theo chỉ đạo của cấp trên. Lúc kết luận, trưởng đoàn long trọng góp ý: Các đồng chí phải xây dựng kế hoạch, phân kỳ để thực hiện theo từng khâu, giai đoạn, trong đó chú ý câu chuyện về vốn, câu chuyện về nguồn nhân lực, câu chuyện về… Sau hơn một giờ, trưởng đoàn say sưa phát biểu góp ý nhưng chủ nhà chẳng nhận được gì cụ thể để rút kinh nghiệm. Hỏi, anh trợ lý cho biết: Sếp phát biểu tầm “trung ương” nên các anh chưa hiểu cũng bình thường thôi.

Từ câu chuyện trên không khó nhận biết xung quanh ta vẫn còn có những người thích tự đề cao mình. Họ “giải quyết khâu oai” ở mọi nơi có thể bởi “tâm kém, tầm thấp”. Những người như vậy chỉ biết lo cho bản thân mình mà xao lãng trách nhiệm với sự nghiệp chung. Họ đâu có biết làm như vậy không chỉ tự “lấy đá ghè chân mình” mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị nơi họ công tác. Xung quanh ta không thiếu những cán bộ lãnh đạo tài giỏi hết lòng vì nước, vì dân, luôn luôn khiêm tốn. Họ là những tấm gương để chúng ta soi và ai đó nếu đôi lúc có lỡ “làm oai” hãy tự nhìn lại, điều chỉnh hành vi của mình, đừng để cái “oai” có cơ hội trỗi dậy lần nữa.