Chung tay vì “Đại dương xanh, hành tinh xanh” !

(NTO) Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo vì sự phát triển bền vững đất nước, cũng như ý nghĩa quan trọng của Ngày Đại dương Thế giới, với tư cách là một quốc gia biển, Chính phủ Việt Nam là một trong số 9 quốc gia đầu tiên tổ chức các sự kiện chào mừng ngày Đại dương Thế giới vào tháng 6 năm 2009 trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam.

Theo đó, hàng năm Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam  trở thành một hoạt động thường niên được phát động từ ngày 01 đến ngày 8-6 trên phạm vi cả nước nhằm hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) và Ngày đại dương thế giới (8/6). Năm nay, với chủ đề: “Đại dương xanh, hành tinh xanh”, đây là lần thứ 7 Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được tổ chức, không những có ý nghĩa sâu sắc và mang tầm quốc gia mà còn có ý nghĩa cả về phương diện quốc tế.

Vùng biển Cà Ná  (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) xanh- sạch- đẹp. Ảnh: Sơn Ngọc

Nước ta, biển vốn rất giàu tài nguyên thiên nhiên, là nơi sinh sống của hàng chục triệu người dân, là địa bàn chiến lược trong bảo vệ và phát triển đất nước, là phần Tổ quốc thiêng liêng trên biển của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Vì vậy, kỷ niệm ngày Đại dương thế giới (8/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là dịp để tôn vinh những giá trị của biển, đảo và đại dương, để nước ta khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển, đảo bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia trên biển. Hưởng ứng Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam còn là dịp để tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo; nâng cao lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc, giữ vững ổn định và phát triển đất nước… nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng khóa X đã đề ra. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội đất nước.

Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ với chiều dài đường bờ biển trên 105 km, cùng với vùng lãnh hải rộng trên 18.000 km2 và là một trong bốn ngư trường lớn nhất của cả nước với nhiều nguồn lợi về hải sản. Bên cạnh đó, tỉnh ta còn có nhiều tiềm năng để phát triển các ngành công nghiệp (khai thác thủy sản, vận tải biển, khoáng sản biển…) và phát triển du lịch biển với các bãi tắm nổi tiếng như  Ninh Chử, Cà Ná, Bình Tiên…Có thể nói, từ nguồn lợi của biển đã tạo điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho hàng ngàn ngư hộ, diêm hộ… trong tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển ở nước ta nói chung và Ninh Thuận nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức do khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững dẫn đến làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường vùng ven bờ…

Bằng các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người dân và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu… thông qua những việc làm cụ thể: Ra quân làm sạch môi trường bãi biển, trồng cây xanh bảo vệ bờ biển và các khu sinh thái biển; thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống trong cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường; xây dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học biển…Hy vọng rằng, thông qua hưởng ứng Tuần lễ này, công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đảo sẽ có những chuyển biến tích cực và sâu rộng hơn. Đây cũng là công việc cần thiết để duy trì truyền thống mới về khai thác, sử dụng và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam, góp phần vào việc giữ cho đại dương của nhân loại được khỏe mạnh, đặc biệt là cho các thế hệ tương lai của chúng ta.