Thuận Nam: Khắc phục khô hạn, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân

(NTO) Thời tiết khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động trong công tác chống hạn và sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh đã giúp huyện Thuận Nam triển khai công tác chống hạn hiệu quả.

Điều đầu tiên, đó là nỗ lực giải quyết nhu cầu cấp bách về nước sinh hoạt cho người dân của huyện Thuận Nam. Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước tình hình nắng hạn, mạch nước ngầm cạn kiệt, người dân ở một số thôn trên địa bàn xã Phước Nam và các xã vùng biển rơi vào cảnh thiếu nước ngọt hoặc phải mua nước với giá đắt do phí vận chuyển cao. Trước tình hình đó, huyện đã trích nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ các xã Phước Nam, Phước Dinh và Phước Diêm mua vật dụng chứa nước và mua nước sinh hoạt phục vụ cho nhân dân nơi thiếu nước.

ĐVTN xã Phước Nam tình nguyện chở nước sạch cho các hộ dân ở thôn Tam Lang.

Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã làm việc với Sở Xây dựng bàn phương án lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt về cho thôn Nho Lâm, Tam Lang (Phước Nam) và thôn Thương Diêm 1, Thương Diêm 2 (Phước Diêm). Bên cạnh đó, từ nhiều tháng qua, các cơ quan: Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh và Đoàn Thanh niên các cấp đã vận chuyển nước sinh hoạt, giải quyết nhu cầu về nước cho nhân dân các thôn Sơn Hải 1, Sơn Hải 2, Vĩnh Trường, Từ Thiện (Phước Dinh), thôn Thương Diêm 1, Thương Diêm 2 (Phước Diêm) và thôn Tam Lang (Phước Nam) với số lượng hơn 1.000m3 nước và hiện nay, vẫn tiếp tục duy trì việc cấp nước hàng ngày. Nhờ đó, nhu cầu nước sinh hoạt của người dân đến nay cơ bản được giải quyết.

Để ứng phó với tình hình khô hạn trong sản xuất nông nghiệp, huyện cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh tuân thủ kế hoạch gieo trồng, giảm diện tích canh tác để tiết kiệm nguồn nước tưới, đảm bảo đến cuối vụ thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp cũng được xem là giải pháp quan trọng trong công tác chống hạn của địa phương. Ngay từ vụ đông-xuân 2014-2015, huyện đã chủ động giảm diện tích gieo trồng và khuyến khích người dân chuyển đổi các loại cây trồng chịu hạn trên đất trồng lúa ở những vùng không chủ động nguồn nước tưới mà vẫn đảm bảo thu nhập cho người dân. Chị Trượng Thị Nghiêm (thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam) cho hay: Nắng hạn, không đủ nước làm ruộng nên cũng như nhiều hộ trong thôn, gia đình tôi đã trồng đậu xanh trên toàn bộ diện tích 1,6 sào đất. Để có nước tưới, gia đình thuê người khoan giếng, đặt máy bơm và sử dụng tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước tưới suốt vụ. Vừa qua, đậu xanh thu hoạch được giá, chúng tôi cũng phấn khởi và tiếp tục trồng thêm đậu và bắp (bán cây) làm thức ăn cho các trại chăn nuôi.

Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện cho biết thêm: Trong vụ đông-xuân vừa qua, do lượng nước ở các hồ chứa phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện ngày một cạn kiệt nên địa phương chủ trương giảm diện tích gieo trồng, nhất là cây lúa chỉ cho xuống giống 230ha, tập trung ở Phước Hà và Nhị Hà. Tuy nhiên, nông dân các xã Phước Ninh và Phước Nam cũng tận dụng nguồn nước tự chảy từ sông, suối, khoan giếng, đào ao tích nước… nên diện tích lúa phát sinh trong vụ là hơn 330ha.

Đến nay, bà con đã thu hoạch dứt điểm, năng suất đạt khá 63 tạ/ha, phần nào giải quyết nhu cầu lương thực và cải thiện thu nhập cho hộ gia đình trong mùa khô hạn. Riêng với các hộ ngưng sản xuất lúa do thiếu nước đã thực hiện chuyển đổi trồng cây màu trên đất lúa như dưa hấu, bắp, đậu xanh với diện tích khoảng 90ha. Một số diện tích khác trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho đàn gia súc. Đối với các hộ không sản xuất được, huyện đã tiến hành phân bổ nguồn gạo hỗ trợ của Chính phủ đến các hộ dân.

Theo báo cáo, đến tháng 5, huyện Thuận Nam đã cấp 492.960kg gạo cho 3.145 hộ dân trên địa bàn 8 xã. Về giải quyết nguồn thức ăn, nước uống cho đàn gia súc, UBND huyện đã làm việc với UBND huyện Ninh Phước thống nhất phương án giúp đỡ các hộ chăn nuôi di dời đàn gia súc về cánh đồng ở Ninh Phước trong mùa khô hạn. Đến nay, đã có 7.600 con bò và cừu chủ yếu của xã Phước Nam được di dời về nơi có thức ăn. Vụ hè-thu này, huyện sẽ ngưng xuống giống, tập trung nguồn nước cho hơn 830ha cây trồng lâu năm như nho, táo, mãng cầu, xoài. Đồng thời, khuyến khích nông dân tiếp tục tận dụng chân ruộng có mạch nước ngầm trồng các cây họ đậu hoặc trồng bắp, cỏ để làm thức ăn cho gia súc.

Kết thúc vụ đông-xuân, tổng dung tích các hồ chứa trên địa bàn chỉ còn dưới 2 triệu m3 nước, một số hồ mực nước dưới dung tích chết, do đó, huyện đã chỉ đạo xuống các xã thông báo cho người dân ngưng sản xuất vụ hè-thu; vận động nhân dân dự trữ thức ăn cho gia súc từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, thân cây bắp, đậu... và nên dành một phần diện tích để trồng cỏ bổ sung nguồn thức ăn “xanh” cho gia súc. Đồng thời, chỉ đạo thú ý theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và tổng hợp nhu cầu hỗ trợ về nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc nếu tình hình khô hạn diễn biến gay gắt hơn.