Khai thác thế mạnh để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu

(NTO) Năm 2015, mục tiêu ngành Công Thương đề ra là phấn đấu đạt giá trị sản xuất toàn ngành 3.310 tỷ đồng, tăng 20-21% so với năm trước. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 75 triệu USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ. Thế mà, đã gần hết tháng 5, nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt rất thấp so với kế hoạch.

Năng lực xuất khẩu thấp

Tỉnh ta hiện có 13 doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất khẩu và 17 DN hoạt động nhập khẩu; trong đó có 3 DN tham gia xuất khẩu nông sản, 3 DN xuất khẩu khoáng sản, 2 DN xuất khẩu thủy sản, 2 DN xuất khẩu muối, 1 DN xuất khẩu thủ công mỹ nghệ, 1 DN xuất khẩu hàng dệt may và 1 DN xuất khẩu phân bón. Do số lượng DN tham gia xuất khẩu ít nên kim ngạch xuất khẩu hằng năm của tỉnh ta đạt rất thấp so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vâng, Phó phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương, cho biết: Mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay của tỉnh ta chủ yếu vẫn là nhân hạt điều và thủy sản. Trong đó, nhân hạt điều do khó khăn đầu vào nguyên liệu và chưa tìm được đầu ra ổn định nên hiện nay có DN đã ngừng sản xuất, một số DN thì chỉ hoạt động cầm chừng để tính đến việc tái cơ cấu sản xuất. Còn một số mặt hàng mới như: Mây tre, dệt may (khăn bông), đá granite, sản phẩm từ gỗ, thủ công mỹ nghệ... dù có tham gia xuất khẩu nhưng không thường xuyên và còn non trẻ nên chưa phát huy được nội lực tương ứng do chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

 
Công nhân Công ty TNHH Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu.

Nhìn lại lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh ta trong những năm qua cho thấy, các rủi ro mà DN phải đối mặt trong xuất khẩu đều xuất phát phần lớn từ các cơ sở chế biến và DN có quy mô sản xuất nhỏ, chưa chủ động đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa mới, vì vậy khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ngay như sản phẩm nhân hạt điều xuất khẩu, được xem là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao ở những năm trước và có tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành, nhưng vài năm gần đây đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong năm 2014, mặt hàng này đã biến động giảm mạnh đến 41,6% và trong tháng 5 năm nay, lượng xuất khẩu cũng chỉ đạt trên 1,9 triệu USD, giảm 24,83% so với cùng kỳ.

Một mặt hàng khác cũng được xem là thế mạnh xuất khẩu của tỉnh ta hiện nay như thủy sản, nhưng số DN tham gia xuất khẩu còn rất ít. Hiện chỉ có 2 DN là Công ty TNHH Thông Thuận và Công ty TNHH Thủy sản Cà Ná, nhưng cũng chỉ thuần túy là tôm đông lạnh và tôm ăn liền. Chính vì vậy, kết thúc 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ mới đạt trên 16,4 triệu USD, đạt 21,9% so với kế hoạch.

Cùng doanh nghiệp gỡ khó

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu tỉnh ta trong vài năm gần đây có chiều hướng giảm mạnh có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do lâu nay các DN trong tỉnh chưa thoát khỏi vòng “luẩn quẩn” trong hệ thống dây chuyền gia công sản phẩm thô hoặc gia công lại cho một số tập đoàn, DN lớn trong và ngoài nước. Một nguyên nhân khách quan không kém phần quan trọng, đó là thị trường xuất khẩu thời gian gần đây có rất nhiều biến động bất lợi từ bên ngoài, như tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng, nên thị trường xuất khẩu hàng hóa của DN ngày bị thu hẹp.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, đưa lĩnh vực xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, trung tuần tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương. Mục tiêu nhằm tạo bước đi cụ thể theo lộ trình, hướng đến khắc phục các hạn chế về cấu trúc hiện trạng, từ đó phát huy các thế mạnh về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của ngành. Theo đó, kế hoạch được phân kỳ thành 2 giai đoạn để thực hiện và nội dung tái cơ cấu chia theo từng lĩnh vực để triển khai; trong đó, lĩnh vực xuất khẩu được quan tâm phát triển theo hướng bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD, tăng 2 lần so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14-15%/năm.

Bám sát kế hoạch, hiện ngành Công Thương đang xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Theo đó, ngành sẽ tập trung vận động DN tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ để phát huy năng lực sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế của tỉnh như: chế biến nông sản, thủy sản, may mặc, muối, đá granite... Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh có những chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn cho DN trong cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và giải quyết vấn đề lao động trong lĩnh vực xuất khẩu. Phối hợp các ngành, địa phương phát triển vùng cây nguyên liệu tập trung, quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo cơ sở vững chắc cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu...

Đồng chí Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trên, ngành Công Thương xác định trước hết phải rà soát và điều chỉnh Đề án Phát triển xuất khẩu theo hướng khai thác các thế mạnh của địa phương để đầu tư nhiều hơn, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng thực phẩm chế biến, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Ngành sẽ hỗ trợ DN về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; vận động các DN cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về tìm kiếm thị trường, cách thức quản lý, điều hành cho hiệu quả nhất, cùng nhau gắn kết để đưa ra những đề xuất, biện pháp vượt qua khó khăn hiện nay.