Mục tiêu của kế hoạch nhằm thực hiện Tái cơ cấu ngành Công Thương theo lộ trình và bước đi phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế về cấu trúc hiện trạng, phát huy các thế mạnh về lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh của ngành Công Thương. Đến năm 2020, tuy vẫn còn một số lĩnh vực tăng trưởng theo chiều rộng nhưng cơ bản đã hình thành nền tảng để có thể chuyển dịch từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Đề án Tái cơ cấu kinh tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2014-2020; góp phần quan trọng vào việc tạo tiền đề vững chắc để Ninh Thuận phát triển theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”, thân thiện với môi trường, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, đẩy mạnh tăng trưởng ngành Công Thương theo chiều sâu nhằm hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Kế hoạch được phân kỳ thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2015, phát triển năng lượng là trọng tâm và công nghiệp chế biến làm động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, toàn ngành công nghiệp đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành đầu tư một số dự án đưa vào hoạt động và phát huy công suất để đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt khá. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) năm 2015 đạt khoảng 5.614 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 17,9%/năm. Phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế đạt 15%, tốc độ tăng trưởng bình quân 22%;
Hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực thương mại có bước phát triển cả về số lượng và quy mô hoạt động. Xã hội hóa trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại được các doanh nghiệp quan tâm đăng ký đầu tư, bước đầu hình thành doanh nghiệp đầu mối phân phối hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã tạo lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các huyện, vùng sâu, vùng xa,... góp phần tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Phấn đấu năm 2015 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 14.240 tỷ đồng, tăng hơn 2,24 lần so với năm 2010, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 17,53%/năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 75 triệu USD, tăng 61,4% so năm 2010, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 10,05%/năm.
Giai đoạn 2016-2020: Tập trung đầu tư hoàn thành và mở rộng các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, hình thành trung tâm năng lượng sạch, vùng chế biến thủy sản tập trung,... đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư và hoàn thành đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp đã và đang đầu tư, thu hút các dự án sản xuất công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Các Cụm công nghiệp khi đưa vào hoạt động phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt khoảng 13.676 tỷ đồng, tăng 2,43 lần so với năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 19-20%/năm. Phấn đấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế đạt 26,8%, tốc độ tăng trưởng bình quân 25-27%;
Phát triển hệ thống thương mại tạo kết nối thông suốt giữa thành thị và nông thôn, hình thành kênh bán buôn đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng; khuyến khích đầu tư mới, nâng cấp cải tạo, di dời các chợ trên địa bàn huyện, thành phố; đầu tư mới 5 siêu thị và 1 trung tâm thương mại. Phấn đấu đến năm 2020 tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 2,46 lần so năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 18-19%/năm. Kim ngạch xuất khẩu đạt 150 triệu USD, tăng 2 lần so năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 14-15%/năm.
Nội dung tái cơ cấu theo từng lĩnh vực: trong đó, lĩnh vực công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến; Công nghiệp năng lượng; Công nghiệp khai khoáng; Công nghiệp hỗ trợ. Ở Lĩnh vực thương mại, ưu tiên phát triển xuất khẩu và thị trường nội địa.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh giao Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình hành động này phù hợp với tình hình thực tế của ngành và địa phương.
Xuân Bính