Theo đồng chí Phan Kế Vũ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, qua báo cáo từ các địa phương, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện đã có trên 800ha cây trồng bị thiệt hại (gồm mía, mỳ, bắp…); trong đó, riêng diện tích mía tại xã Quảng Sơn bị chết gốc và khô gốc chiếm trên 50%.
Xã Mỹ Sơn đào ao cứu nước cho đàn gia súc tại khu vực thôn Nha Húi.
Hiện nay, tâm hạn trên địa bàn huyện tập trung chủ yếu tại 3 xã Quảng Sơn, Mỹ Sơn và Hòa Sơn. Thời gian qua, ngoài sự hỗ trợ của một số đơn vị, đoàn thể trong việc giúp người dân chống hạn, riêng huyện cũng đã trích kinh phí dự phòng trên 500 triệu đồng để triển khai đào được 6 ao, hồ trữ nước cho đàn gia súc tại các khu vực khô hạn trọng điểm như Nha Húi (xã Mỹ Sơn), Suối Mây (xã Quảng Sơn) và khu vực suối Sông Dầu (xã Hòa Sơn). Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang cũng đã hỗ trợ cho các hộ trồng mía đào 19 ao, hồ chứa nước phục vụ cho việc tưới tiêu tại một số khu vực, với chính sách hỗ trợ gồm: hỗ trợ máy đào, công nhân và chi phí vận chuyển máy đào; nông dân chỉ chịu chi phí dầu, khấu hao thiết bị. “Hầu hết các ao, hồ đến thời điểm này đã phát huy hiệu quả, đã cơ bản đáp ứng cho đàn gia súc và một số diện tích cây trồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những giải pháp ứng phó trước mắt. Tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu trong khoảng một tháng tới trời tiếp tục không mưa” - đồng chí Phan Kế Vũ cho biết.
Cùng với đó, nhân dân các xã cũng đang nỗ lực tìm ra các giải pháp hữu hiệu để vượt qua hạn hán, giảm tối thiểu mức thiệt hại cho cây trồng. Tại xã Hòa Sơn, từ giữa tháng 4, khi nguồn nước sinh hoạt cạn kiệt, UBND xã đã thành lập 3 đội theo nước, mỗi đội khoảng 15 thành viên, tổ chức trực luân phiên (24/24 giờ) để theo dẫn nước từ hệ thống kênh Tây N87 cách xã 2,5km về các ao nước đã được đào tại lòng suối Sông Dầu để bơm chuyển về Nhà máy nước Hòa Sơn phục vụ cho người dân. Nhờ vậy, trong những ngày tâm điểm khô hạn, người dân vẫn có đủ nguồn nước để sinh hoạt. Từ khuyến cáo và định hướng của các ngành chức năng, nông dân xã Hòa Sơn cũng đã chủ động áp dụng những mô hình chống hạn phù hợp trên những cánh đồng. Điển hình có mô hình Tưới tiết kiệm béc tưới phun mưa. Với một bộ béc tưới trị giá từ khoảng 500-700 ngàn đồng, có thể tưới phủ khoảng 700m² diện tích đất, trên 1ha diện tích cây trồng chỉ cần 6-7 téc tưới. Đồng chí Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết, hiện toàn xã có khoảng 10 hộ dân đang triển khai mô hình này cho các diện tích mía, mì. So với cách tưới bơm truyền thống thì mô hình này giảm chi phí đầu tư, công theo nước và đảm bảo hiệu quả theo nước cho các diện tích cây trồng.
Còn tại xã Mỹ Sơn, khu vực tâm hạn thôn Nha Húi, những ngày qua, 160 hộ dân nơi đây đã bớt lo lắng vì từ cuối năm 2014, tại khu vực thôn đã đào một giếng nước bán kính khoảng 2,5m, sâu gần 6m, luôn có đủ nguồn nước cho người dân sinh hoạt. Ngoài ra, từ đầu tháng 3-2015, chính quyền xã cũng đã bố trí mua một bồn chứa nước với dung tích 5.000 lít đặt tại khu vực nhà cộng đồng thôn để hỗ trợ nước uống hằng ngày cho người dân. Theo đó, mỗi hộ sẽ được cấp miễn phí 30 lít nước uống/ngày và việc hỗ trợ này sẽ kéo dài trong khoảng 3 tháng. Bên cạnh đó, để có nước uống cho đàn gia súc, xã Mỹ Sơn cũng đã tiến hành đào 2 ao chống hạn tại khu vực cánh đồng Hòn Táo, thôn Nha Húi và khu vực sản xuất thôn Mỹ Hiệp.
Không riêng gì Hòa Sơn, Mỹ Sơn, Quảng Sơn, tại một số khu vực sản xuất không chủ động nước ở các xã khác trên địa bàn huyện Ninh Sơn cũng đã chủ động ứng phó với hạn hán bằng nhiều mô hình tưới tiết kiệm, chuyển đổi từ cây trồng nước sang cây trồng cạn như bắp, đậu các loại, trồng cỏ… Với những nỗ lực tích cực từ chính quyền và tinh thần chủ động của người dân, hy vọng trong vụ hè–thu, Ninh Sơn sẽ giảm bớt khó khăn hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Nguyễn Sơn - Tiến Mạnh