Ninh Sơn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình khô hạn

(NTO) Từ giữa năm 2014 đến nay, ngành Nông nghiệp-PTNT tỉnh ta nói chung và huyện Ninh Sơn nói riêng đã phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt do nắng hạn kéo dài. Tuy nhiên, trong khó khăn chung đó vẫn có một số giống cây trồng “trụ” được, sống vững chãi trong mùa khô hạn, còn cho năng suất cao, đem lại lợi nhuận lớn cho nhiều nông dân địa phương.

Vững chãi trong mùa khô hạn

Ninh Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên trên 77.000 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 62,5 ha. Do địa hình đa số đồi dốc, nên trong sản xuất nông nghiệp, ngoài việc phát triển các loại cây trồng như: Lúa, bắp, dưa hấu ở các xã Nhơn Sơn, Lương Sơn, Ma Nới, Tân Sơn và cây ăn quả tập trung ở xã Lâm Sơn, hằng năm địa phương còn chỉ đạo nông dân tập trung phát triển mạnh 3 loại cây trồng chủ lực: Mía, mì, thuốc lá với diện tích hàng ngàn ha. Chỉ tính riêng trong vụ đông - xuân 2014 – 2015, toàn huyện xuống giống 5.963 ha cây trồng các loại. Riêng 3 loại cây trồng mía, mì, thuốc lá, qua tiên liệu trước tình hình hạn hán có thể kéo dài, nên huyện khuyến cáo nông dân chỉ trồng mới 115 ha cây mía, 51 ha cây mì và 277 ha cây thuốc lá, tập trung chủ yếu ở những nơi chủ động được nguồn nước tưới.

Nông dân huyện Ninh Sơn thu hoạch mía.

Đồng chí Phan Kế Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết: Trước tình hình nguồn nước khan hiếm, để sản xuất có hiệu quả, địa phương đã đưa các giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Trong đó, đối với cây mía, ngoài những loại giống chịu hạn MY55-14, F156, ROC23, ROC25, hiện bà con còn trồng giống mía K38 của Mỹ. Đối với cây mì, bên cạnh giống mì cao sản lâu nay, bà con còn trồng giống mì mới KM228, nên năng suất vượt trội, bình quân cây mì đạt 18 tấn/ha và cây mía đạt gần 64 tấn/ha. Với giá bán 1.700 đồng/kg mì tươi (đối với mỳ đủ 30 chữ bột) và 830.000 đồng/tấn mía có 10 chữ đường, người dân có thể thu lãi vài chục triệu đồng/ha.

Vùng trồng cây nguyên liệu mía, mì và thuốc lá của Ninh Sơn tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn và một số địa phương dọc Quốc lộ 27 như Mỹ Sơn, Lâm Sơn và thị trấn Tân Sơn. Dù đầu ra các loại cây trồng này có thời điểm giá cả chưa thật sự ổn định, nhưng do đây là các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nên hiện ở Ninh Sơn đang có rất nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn, với quy mô hàng chục ha. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn cho biết: Hiện địa phương có khoảng 1.900 ha mía, gần 1.500 ha mì, nhưng kể từ khi Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang và huyện có chính sách hỗ trợ trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng và chi phí đầu tư thì những khó khăn phần nào đã được tháo gỡ. Nhờ đó, vùng cây nguyên liệu của địa phương đã phát huy thế mạnh, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc hơn. Điển hình như anh Trương Đình Hùng, ở thôn Thạch Hà, từ năm 2009 đến nay cứ mỗi vụ mía anh đầu tư sản xuất khoảng 13 ha, mỗi năm gia đình anh thu về vài trăm triệu đồng.

Điểm đáng chú ý nữa trong sản xuất nông nghiệp của huyện Ninh Sơn hiện nay, đó là đã áp dụng thành công nhiều tiến bộ khoa học-kỹ thuật, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất mới trong nông dân. Trong đó, đáng kể nhất là việc chuyển đổi luân canh 3 vụ lúa/năm sang mô hình “2 lúa, 1 bắp” trên cùng một diện tích canh tác, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện có hơn 40 hộ của thị trấn Tân Sơn đang triển khai với diện tích khoảng 30 ha và dự kiến sẽ nhân rộng mô hình này cho các địa phương áp dụng trong thời gian tới. Tính ưu việt của mô hình mới này không chỉ cho thu nhập cao hơn gần 13 triệu đồng/ha, mà sau vụ bắp nông dân có thể yên tâm hơn khi canh tác 2 vụ lúa tiếp theo do quá trình chuyển đổi canh tác từ cây trồng cạn sang cây trồng nước đã cắt bớt nguồn dịch bệnh và tiết giảm được từ 3 đến 4 lần lượng nước phải tưới. Đây chính là yếu tố cơ bản để các loại cây trồng ở huyện Ninh Sơn không chỉ “trụ” vững trong mùa khô hạn mà còn phát triển tốt, cho năng suất cao.

Sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp tục sản xuất hiệu quả trong điều kiện nắng hạn còn kéo dài, vừa qua huyện Ninh Sơn đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện tiến hành khảo sát hiện trạng các vùng sản xuất và điều tra năng suất, sản lượng thu hoạch của từng loại cây trồng để có giải pháp chỉ đạo sản xuất kịp thời. Theo đó, trong vụ hè-thu tới, dự kiến toàn huyện sẽ gieo trồng với tổng diện tích khoảng 11.700 ha; trong đó, cây lúa 3.142 ha; cây bắp 985 ha; cây mì 2.668 ha. Riêng cây mía trồng mới 43 ha và Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang tiếp tục hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con với giá 750 ngàn đồng/tấn, đồng thời tùy theo điều kiện canh tác để thực hiện ứng trước vốn chăm sóc, mua vật tư từ 15 – 30 triệu đồng/ha mía cho bà con. Công ty còn hỗ lại tiền giống đầu tư mới cho các hộ có diện tích mía bị bệnh trắng lá 7,2 triệu đồng/ha; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha tiền cày ải cho các hộ có diện tích mía bị chết hạn khi xuống vụ đầu năm và hỗ trợ kinh phí đào 50 hồ chứa nước để tưới bổ sung cho gần 200 ha mía nằm ở những vùng không chủ động nước. Cùng với đó, huyện còn đầu tư xây dựng trên 50 km kênh mương cấp II, III từ hệ thống hồ thủy lợi Cho Mo đến xã Mỹ Sơn để mở rộng vùng tưới.

Để nông dân các địa phương triển khai gieo trồng hợp lý, huyện đã bố trí lịch thời vụ chia làm 2 đợt; trong đó, đợt 1 bắt đầu từ ngày 11-5 đến 25-5-2015 và đợt 2 bắt đầu từ 26-5 đến 10-6-2015. Cùng với đó, Phòng NN&PTNT hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện việc rà soát lại diện tích tạm ngừng sản xuất lúa do thiếu nước để chuyển đổi sang trồng các loại cây màu, trồng cỏ chăn nuôi theo hướng sử dụng ít nước. Đồng thời tăng cường công tác khuyến nông, cung ứng giống, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, công tác bảo vệ thực vật để hạn chế tình trạng sâu bệnh cây trồng, tránh gây thiệt hại cho bà con.

Với sự chỉ đạo kịp thời như trên, hy vọng rằng vụ hè–thu năm 2015 bà con nông dân huyện Ninh Sơn sẽ vượt qua khó khăn do khô hạn và có vụ mùa thắng lợi.