Cần nhân rộng các mô hình chống hạn trong vụ hè - thu!

(NTO) Hiện nay các địa phương đã và đang khuẩn trương tập trung thu hoạch vụ đông- xuân. Tuy ảnh hưởng của hạn hán kéo dài nhưng ngoài một số ít diện tích bị mất trắng do thiếu nước tưới trong điều kiện bất khả kháng, còn lại đa phần năng suất đều tăng. Riêng cây lúa, theo thống kê của ngành Nông nghiệp bình quân năng suất đạt 68,1 tạ/ha, cá biệt có nơi đạt đến 9-10 tấn/ha.

 Đáng nói là giá nông sản vụ này tương đối ổn định. Giá lúa trên thị trường hiện tại 5.400 đồng/kg; nho, táo bảo đảm có lãi khá cho người trồng với năng suất cao cũng góp phần bù đắp cho chi phí phải tăng thêm để đầu tư chống hạn cho cây trồng của nông dân ở những vùng không chủ động nước tưới, chủ yếu là ở các vùng sử dụng nguồn nước chính từ các hồ, đập thủy lợi...

Anh Thành Lênh ở thôn Bỉnh Nghĩa (Bắc Sơn, Thuận Bắc) sử dụng cỏ ủ chua
cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa khô hạn. Ảnh: Sơn Ngọc

Trong mùa hạn đã có nhiều mô hình chống hạn đầy sáng tạo của nông dân. Với tinh thần chủ động và quyết tâm giảm thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, ngoài đào ao, giếng chống hạn... nhiều nông dân đã ứng dụng có hiệu quả các mô hình sử dụng nước tiết kiệm như phương pháp tưới “nông-lộ-phơi” vừa giảm lãng phí nguồn nước tưới như cách truyền thống, đồng thời vừa nâng cao năng suất lúa. Hay áp dụng công nghệ tưới phun tầm thấp trên cây nho, tưới phun qua đầu trên cây hành tỏi, rau đậu các loại... nhất là ở các khu vực sản xuất đất cát, ven biển... Qua đánh giá bước đầu của ngành chức năng, chính áp dụng các mô hình nêu trên đã đem lại hiệu quả đáng kể trong mùa hạn.

Đối với chăn nuôi, ngay vào đầu mùa khô, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư cũng đã khuyến cáo nông dân về một số cách làm mới như giảm số lượng đầu con gia súc bằng hình thức loại thải bớt những con già yếu, sinh sản kém; tách đàn theo nhóm để chăn thả và nuôi dưỡng; tạo nguồn thức ăn dự trữ bằng biện pháp ủ rơm ure, ủ chua cỏ, trữ nguồn nước sạch cho gia súc... Nhờ vậy, đã giảm đáng kể thiệt hại cho người nuôi.

Vụ hè - thu sắp tới, theo dự báo sẽ tiếp tục hạn đến tháng 9-2015 và nguy cơ cạn kiệt nước tại các hồ sẽ xảy ra. Hiện nay, tại 20 hồ chứa trong tỉnh, lượng nước chỉ còn trên 17 triệu m3, bằng 8,9% dung tích thiết kế và khả năng “thất thoát” ít nhất 230 nghìn m3/ ngày do bốc hơi. Do vậy, yêu cầu đặt ra là để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng, nước uống cho đàn gia súc trong những tháng hạn còn lại như dự báo không gì khác là người sản xuất cần nhân rộng các mô hình chống hạn hiệu quả, đồng thời ngành Nông nghiệp cần phối hợp với các địa phương khuyến cáo việc chuyển đất lúa sử dụng nhiều nước sang các cây trồng ít dùng nước nhưng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Được biết, theo kế hoạch trong vụ hè - thu toàn tỉnh sẽ có trên 10.200 ha ở những vùng cuối kênh, xa nguồn nước, vùng gò, đồi sử dụng nước từ các hồ... phải dừng sản xuất, trong đó có trên 5.000 ha lúa.