Quan điểm của tỉnh trong thực hiện là bám sát tư tưởng, cách tiếp cận mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hướng tới nâng cao nhanh hơn thu nhập cho nông dân, xóa đói, giảm nghèo. Quá trình triển khai không chạy theo thành tích số lượng mà chú trọng đến hiệu quả kinh tế, thu nhập của người dân, doanh nghiệp. Xuất phát từ quan điểm đó, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở tỉnh ta được xác định bắt đầu từ việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành sản xuất, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của các địa phương, lợi thế của từng loại cây trồng, vật nuôi, có thị trường tiêu thụ ổn định; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến, đảm bảo sản xuất có hiệu quả.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, đã hoàn thành quy hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng đến năm 2020; quy hoạch chi tiết nuôi, trồng thủy sản; các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất rau an toàn và quy hoạch chăn nuôi gia súc có sừng gắn với đồng cỏ. Các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả. Tiêu biểu như huyện Ninh Phước đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ, giai đoạn 2014 - 2015. Mặc dù kế hoạch nhân rộng mô hình mới ban hành, nhưng đã đạt được một số kết quả đáng kể. Cụ thể, với mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đã nhân rộng được 4.488 ha, hình thành vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu. Thông qua tái cơ cấu nội ngành, sản xuất lúa hướng tập trung áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đã tạo được thu nhập tăng thêm 6,4 triệu đồng/ha. Đối với sản xuất các loại trái cây đặc thù như nho, táo cũng đã thực hiện lại từ khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất, thu mua. Kết quả từ việc hình thành 3 vùng sản xuất nho sạch: Văn Sơn (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Khánh Hải (Ninh Hải), Nhơn Sơn (Ninh Sơn) chứng minh cho thành quả bước đầu trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thành công đáng kể nhất trong chăn nuôi là chất lượng đàn tăng lên. Qua chương trình cải tạo đàn, lai tạo giống, tỷ lệ cừu lai đạt 70%/tổng đàn 92.000 con. Tỉnh đang kỳ vọng việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý “Ninh Thuận” cho sản phẩm thịt cừu đang được xúc tiến sẽ tạo điều kiện phát triển nghề nuôi cừu lên tầm cao mới. Cùng với đó, tỷ lệ dê, bò lai cũng đã tăng lên đáng kể, 51% đối với dê và 38,4% đối với bò.
Ở lĩnh vực nuôi, trồng thủy sản cũng đạt được nhiều kết quả nhờ chú trọng thực hiện tái cơ cấu theo hướng thâm canh, tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và cân bằng môi trường sinh thái. Hoạt động nuôi tôm nước lợ đã áp dụng các tiến bộ khoa học mới, năng suất đạt cao. Đơn cử như mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP thực hiện tại xã An Hải (Ninh Phước), năng suất đạt 15 tấn/ha, cá biệt có ao đạt 40-60 tấn/ha, cao hơn nhiều lần so với sản xuất truyền thống. Mô hình nuôi tôm sú luân canh trồng rau câu áp dụng cho khu vực Đầm Nại khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, hộ sản xuất 1ha cho thu nhập 144 triệu đồng/vụ. Riêng hoạt động khai thác hải sản, đáng kể nhất là chuyển sang đánh bắt biển xa theo hướng khai thác bền vững, kết hợp kinh tế-quốc phòng. Mô hình sử dụng máy dò ngang áp dụng trên 2 tàu khai thác xa bờ ở xã Tri Hải và Thanh Hải (Ninh Hải) hoạt động ổn định, sản lượng khai thác tăng gấp 2 lần so với phương pháp đánh bắt trước đây.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trương thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh được triển khai từ tháng 12-2013, đến nay bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng tăng cây công nghiệp, cây ăn quả. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6-7%/năm. Tiếp tục thực hiện Đề án, thời gian tới, các địa phương rà soát cơ cấu đầu tư để cân đối nguồn vốn thực hiện nhiệm vụ chuyển giao khoa học-kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.
Tuấn Anh