Từ nhỏ, chúng ta đã được cha mẹ, thầy cô dạy nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ của người khác và xin lỗi khi mắc phải sai lầm hay vô tình làm tổn thương ai đó. Nếu không hình thành thói quen nói lời cảm ơn, xin lỗi ngay từ khi còn nhỏ, thì sau này khi lớn lên sẽ rất khó khăn để nói ra hai từ này một cách chân thành. Chỉ đơn giản với hai từ cảm ơn hay xin lỗi nhưng mọi thắc mắc, mâu thuẫn sẽ được xóa bỏ, giúp mọi người gần gũi nhau hơn. Một lời cảm ơn chân thành luôn làm ấm lòng người đã giúp đỡ. Lời xin lỗi đúng lúc, đúng chỗ là vô cùng cần thiết. Văn hóa cảm ơn và xin lỗi có tồn tại hay không tùy thuộc vào vấn đề lối sống, giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội. Không nên giáo dục trẻ một cách máy móc theo sách vở mà qua thực tế, làm gương của người lớn. Nếu người lớn có nhận thức đúng và có trách nhiệm trong lời nói, thì trẻ sẽ học hỏi và làm theo. Đừng nên quan niệm người lớn thì không cần xin lỗi, cảm ơn trẻ nhỏ.
Lời cảm ơn và xin lỗi tưởng chừng như đó chỉ là một câu chuyện nhỏ, nhưng đó là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử của con người, là một vấn đề cần thiết trong giao tiếp hằng ngày mà chúng ta nên gìn giữ. Xin lỗi khi biết mình có lỗi là việc nên làm và điều quan trọng là bản thân có nhận ra lỗi lầm để sửa hay không. Khi giúp đỡ ai đó, điều mà bạn mong nhận được là gì, phải chăng là lời cảm ơn? Vậy thì, tại sao bạn không nói cảm ơn với những người đã giúp đỡ mình.
Biết nói và sử dụng lời cảm ơn hay xin lỗi là thể hiện thành ý, sự tôn trọng người khác và tôn trọng bản thân. Những lời cảm ơn khi được sự giúp đỡ, không thể xem là khách sáo, mà là thể hiện tấm lòng của bạn. Thật hạnh phúc khi nghe lời cảm ơn từ một cô bé đánh rơi chiếc mũ mà bạn vừa nhặt giúp, cơn bực tức sẽ nhanh chóng tan biến khi nghe câu xin lỗi từ một cậu bé vừa vội vàng va phải bạn…
Cuộc sống hiện đại dễ cuốn hút chúng ta vào công việc, nhưng mong rằng bạn đừng bao giờ quên những lời cám ơn và xin lỗi thật chân thành và nồng ấm.
Minh Uyên