Chợ phiên Ma Nới

(NTO) Cứ đến ngày 24 hàng tháng, chợ phiên xã Ma Nới (Ninh Sơn) lại diễn ra nhộn nhịp tại trung tâm xã. Phiên chợ là nơi để đồng bào Raglai trao đổi, mua bán hàng hóa, nhất là sản phẩm nông sản ra thị trường, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Ma Nới là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện khoảng 22km, có 1.143 hộ với 4.500 khẩu, trong đó có trên 90 % đồng bào Raglai sinh sống. Trước kia, do tập tục “tự cung, tự cấp”, không thường xuyên mua bán mà chỉ trao đổi hàng hóa tại các hàng quán giữa người dân với nhau, nên giá trị sản phẩm nông nghiệp của bà con không cao. Năm 2003, UBND xã Ma Nới đã thành lập chợ phiên vào ngày 24 hàng tháng, từ đó đến nay, phiên chợ ngày càng thu hút đông đảo người dân địa phương và tư thương các nơi đến kinh doanh.

Toàn cảnh chợ phiên Ma Nới.

Có mặt tại phiên chợ lúc sáng sớm, chúng tôi được chứng kiến cảnh người dân từ các thôn và tiểu thương đổ về chợ phiên để buôn bán rất nhộn nhịp, chẳng khác nào những phiên chợ thường ngày ở miền xuôi. Chợ phiên Ma Nới được họp từ 5 giờ đến 10 giờ sáng. Ngoài các mặt hàng nông sản, đồ gia dụng vốn được bán ở chợ, bà con còn đem heo, gà, đàn Chapi, gùi, bắp, rau… ra bán ở chợ phiên. Chị Pi Năng Phúc (thôn Gia Hoa) cho biết: Khi chưa có phiên chợ tại xã, mình muốn mua cái gì thì chỉ biết mang bắp, gà, heo ra đổi tại các quán trong làng. Khi nhà có việc gì cần mua phải đi sang chợ các xã bên cạnh để đổi. Nay xã mở chợ phiên nên rất vui, mình có thể mang gà, heo ra bán để lấy tiền mua vật dụng về dùng. Chị Ca Mau Thị Hoàng, ở thôn Ú, là hộ dân thường tham gia buôn bán tại chợ phiên, chia sẻ: Từ khi có chợ phiên, mình học mọi người cách buôn bán. Lúc đầu sợ ra đây bán không ai mua, cũng không biết đưa giá cả, nhưng qua các phiên chợ, mình đã biết cách mua, bán.

Tại chợ phiên, có tiểu thương từ các nơi khác đến buôn bán các mặt hàng thiết yếu như đồ gia dụng, quần áo, giày dép, mũ nón… đáp ứng nhu cầu của người dân. Chị Trần Thị Tám, tiểu thương chợ Song Mỹ (thị trấn Tân Sơn) cho biết: Phiên chợ nào tôi cũng đưa hàng lên bán. Mặc dù là xã miền núi nhưng tôi thấy nhu cầu mua sắm của người dân ở đây rất cao, nên mỗi lần tham gia phiên chợ, tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng về hàng hóa để phục vụ nhu cầu của bà con. Các mặt hàng bày bán hầu hết được sản xuất trong nước, giá cả phải chăng nên phù hợp với điều kiện kinh tế của bà con trong xã.