Hội Nông dân phường Mỹ Đông hiện có 17 tổ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với 656 thành viên. Trên cương vị Chủ tịch Hội, vừa là Phó ban Giảm nghèo của phường, ngoài tham mưu với Ban Giảm nghèo công khai, minh bạch, phân bổ hợp lý nguồn vốn mới mà hằng năm Ngân hàng giao về cho các khu phố, tổ vay vốn, anh còn tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến về các chương trình, chính sách vay vốn ưu đãi của Nhà nước đến với các hộ nghèo; đồng thời đôn đốc việc thu hồi nợ cũ nhằm tái tạo các nguồn vốn vay, có thêm nguồn lực, giúp nhiều bà con được tiếp cận nguồn vốn.
Anh Khu Văn Sơn.
Đến nay, tổng dư nợ của hội viên, nông dân vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội lên đến 11,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay hộ nghèo là 4,3 tỷ đồng/348 hộ vay; cận nghèo 2,9 tỷ đồng/205 hộ vay; vốn HSSV 4,2 tỷ đồng/167 hộ vay và vốn giải quyết việc làm 300 triệu đồng/17 hộ vay.
Anh Sơn chia sẻ: Giúp bà con tiếp cận nguồn vốn không khó, vì hiện nay, Nhà nước ta rất quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích bà con phát triển sản xuất. Những năm qua mức cho vay cũng không ngừng được nâng lên, bà con rất phấn khởi. Điều quan trọng hơn là làm sao để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, ý thức, trách nhiệm trả nợ của bà con ngày càng nâng cao, hạn chế tối đa nợ quá hạn, nợ xấu. Để làm tốt điều này, anh phối hợp cùng các tổ vay vốn kiểm tra, xem xét kỹ từng hồ sơ vay vốn, nhất là đánh giá tính khả thi dự án làm ăn của bà con, hoàn cảnh kinh tế, năng lực trả nợ… rồi mới đưa ra mức cho vay hợp lý. Trong quá trình bà con thực hiện dự án, anh nhắc nhở tổ trưởng các tổ vay vốn, cán bộ Hội, Ban quản lý khu phố thường xuyên đến tận nhà động viên, theo dõi để giúp bà con khi gặp khó khăn. Ngoài việc đóng tiền lãi, hàng tháng, anh vận động bà con đóng thêm một khoản tiền, gọi là tiền tiết kiệm từ một trăm đến vài trăm ngàn đồng tùy theo khả năng. Việc làm này rất hữu ích vì giúp bà con biết cách chi tiêu, tích lũy, tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm hàng tháng tuy không nhiều, nhưng nếu nhiều tháng tích lũy sẽ có khoản tiền lớn có thể giúp bà con trong lúc khó khăn, hoặc cần vốn để mua vật tư, phân thuốc… Nếu không sử dụng, bà con có thể dùng để trả vào khoản nợ gốc.
Không chỉ quản lý tốt nguồn vốn được ủy thác, anh Sơn còn phát huy vai trò cán bộ Hội, tích cực hướng dẫn, định hướng cho bà con về các mô hình sản xuất, dự án làm ăn hiệu quả. Điển hình như tại khu phố 3, trước đây đa số hộ nghèo chủ yếu trồng lúa nước, một số khác trồng nho, nhưng do không có nguồn vốn đầu tư nên chỉ canh tác với diện tích nhỏ nên lợi nhuận thấp, đời sống bấp bênh. Anh cùng với các tổ vay vốn khảo sát, khuyến khích cho bà con vay vốn chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng nho. Qua đó vận động 30 hộ vay vốn, mức vay 10 triệu đồng/hộ, trồng khoảng 10 ha nho. Qua 2 năm thực hiện mô hình, nhiều bà con đã trả được nợ cũ, thoát nghèo. Đến đầu năm 2015, các hộ tiếp tục được ngân hàng cho vay, nâng mức vốn vay lên 20 triệu đồng/hộ. Anh Bùi Văn Thái, một thành viên trong tổ vay vốn cho biết: Trước đây, gia đình tôi có 2 sào đất, trong đó 1,5 sào trồng lúa, còn lại trồng nho. Từ khi được vay vốn, tôi chuyển toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng nho. Được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, lại có vốn chủ động sản xuất. Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát nghèo.
Với sự nỗ lực, những việc làm thiết thực của anh Sơn đã đóng góp vào công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm ở địa phương. Toàn phường hiện chỉ còn 72/3.797 hộ hội viên, nông dân thuộc diện nghèo. Anh Sơn được biểu dương là cộng tác viên tiêu biểu của Ngân hàng Chính sách xã hội vì có thành tích xuất sắc trong công tác củng cố hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn giai đoạn 2010-2015
Uyên Thu