Qua 4 năm triển khai thực hiện, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh.
Chuyển biến tích cực: Từ năm 2011-2014, toàn tỉnh đã tổ chức được 422 lớp dạy nghề với 12.727 LĐNT tham gia, trong đó có 6.300 LĐNT thuộc đối tượng ưu tiên là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác, người tàn tật, chiếm tỷ lệ gần 50%. Tổng số LĐNT tham gia học các nghề: nông nghiệp 9.468 người, chiếm tỷ lệ 74,4% và các nghề phi nông nghiệp là 3.259 người, chiếm tỷ lệ 25,6%. Số LĐNT sau học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng, tự tạo việc làm hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập là 10.490 người, đạt tỷ lệ 82,4%. Số học viên tự giải quyết việc làm thông qua thành lập các tổ, đội, nhóm sản xuất, nhận gia công hàng hóa tại nhà hoặc vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế lao động sản xuất là 8.802 người.
Đào tạo nghề đan lát cho lao động nông thôn xã Phước Thành (Bác Ái).
Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 02, công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã tạo được sự chuyển biến cơ bản quan trọng trong nhận thức của các cấp ủy Đảng, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và người lao động về vai trò quan trọng của dạy nghề cho LĐNT đối với phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Người học nghề đã tiếp cận được kiến thức mới về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề để kiếm sống, có cơ hội được nhận vào làm việc tại các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp tại địa phương, qua đó nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần ổn định cuộc sống, góp phần tích cực trong việc thay đổi tư duy lao động sản xuất của nông dân, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững trong khu vực nông thôn...
Tính đến cuối năm 2014, cho thấy có sự chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và dịch vụ; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 48,9%, tăng 5% so với năm 2010, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 31,8%, tăng 5,8%; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian LĐNT từ 83% (năm 2010) lên 86% và đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết: Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 02-CT/TU, đã từng bước làm chuyển biến nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên về vai trò đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn; tạo được sự đồng thuận cao của người dân.
Những “nút thắt” và các nhóm giải pháp: Cùng với những kết quả đạt được, qua 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 02/CT-TU, cũng đã phát sinh ra những “nút thắt” cần được tháo gỡ. Đó là, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ chưa nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho LĐNT dẫn đến thiếu sâu sát trong công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu dẫn đến việc không ít LĐNT học nghề nhưng không thể áp dụng vào thực tiễn hoặc không thể tồn tại lâu bền với nghề. Một “nút thắt” khác chính là chương trình, giáo trình dạy nghề còn nhiều bất cập, đội ngũ giáo viên nhìn chung còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Ông Bùi Đức Tú, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận nêu vấn đề: Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác dạy nghề hiện vẫn còn dàn trải, chồng chéo giữa các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội dẫn đến việc đào tạo chưa hiệu quả cao. Mô hình liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp chưa được thực hiện hiệu quả. Trong đào tạo nghề cho LĐNT cần khảo sát để phân loại đối tượng, ngành nghề sao cho sát thực với nhu cầu, đặc biệt là tiềm năng, thế mạnh của địa phương một cách hiệu quả nhất.
Theo kế hoạch, năm 2015, tổ chức đào tạo nghề cho 2.600 LĐNT, trong đó tối thiểu 70% LĐNT qua đào tạo có việc làm; giai đoạn (2016- 2020) tổ chức đào tạo nghề cho 13.000 LĐNT, trong đó tối thiểu 80% LĐNT qua đào tạo có việc làm. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, khắc phục những hạn chế nêu trên, cần quán triệt và triển khai thực hiện tốt 7 nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào làm tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT, đồng thời cung cấp thông tin về các cơ sở có đủ điều kiện tham gia dạy nghề, các nghề đào tạo, các mô hình dạy nghề gắn với việc làm hiệu quả tại địa phương để LĐNT biết và lựa chọn… Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các Trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, ưu tiên đầu tư cho Trung tâm dạy nghề kiểu mẫu; phát triển chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Phương thức dạy nghề cho LĐNT cũng được xác định phải thực hành nhiều hơn lý thuyết. Đặc biệt các cấp ủy, chính quyền cơ sở cần vào cuộc đồng bộ, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để họ hiểu được vai trò quan trọng của việc học nghề đối với việc giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, địa phương…
Đào tạo nghề cho LĐNT được xem là “chìa khóa” thành công cho nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế phải đồng nghĩa với trang bị nghề mới và tạo việc làm mới cho người lao động. Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn đầu, hy vọng trong giai đoạn tiếp theo, cùng với các giải pháp và những “nút thắt” trên sẽ được tháo gỡ để LĐNT vững tin với nghề được học.
Xuân Bính