Chúng tôi tìm gặp chị Thị Nhỏ, cán bộ DS xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) khi chị đang đi tuyên truyền vận động chị em thôn Xóm Bằng tham gia các biện pháp tránh thai. Với nét mặt luôn tươi cười, chị Nhỏ luôn thân thiện với chị em trong thôn. Sinh năm 1990, chưa có nhiều kinh nghiệm, địa bàn quản lý chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, nên công tác tuyên truyền, tư vấn cho người dân sử dụng các biện pháp tránh thai là thách thức lớn đối với cán bộ DS trẻ như chị.
Chị Thị Nhỏ đang tuyên truyền, hướng dẫn cách nuôi con khỏe cho chị em thôn Xóm Bằng, Bắc Sơn.
Trước tình hình đó, chị phối hợp với Ban Quản lý thôn, đội ngũ cộng tác viên lên danh sách những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đến tận nhà tuyên truyền, vận động chị em thực hiện KHHGĐ. Đôi khi cuộc vận động bắt nguồn từ những cách làm ăn hay đến những kinh nghiệm nuôi con khỏe, các biện pháp tránh thai hiện đại… Hàng tháng, chị và đồng nghiệp chủ động đến tận nhà để vận động cha mẹ đưa con đi tiêm phòng ngừa các bệnh trong chương trình tiêm chủng cho trẻ, tạo niềm tin, gần gũi với người dân. Bên cạnh đó, chị không ngừng học hỏi những người đi trước, tìm tòi thêm tài liệu DS, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ vậy, từ năm 2014 đến nay, chị đã vận động 31 ca đặt vòng, 7 ca đình sản, 196 ca sử dụng bao cao su, 257 ca thuốc uống; 35 ca thuốc tiêm; vận động hàng ngàn lượt chị em trong độ tuổi sinh đẻ khám, xét nghiệm, điều trị bệnh phụ khoa.
Hay như chị Nguyễn Thị ngọc Trinh với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác DS, cán bộ chuyên trách DS xã Xuân Hải tâm sự: Người làm DS phải nhiệt tình, thân thiện, kiên trì với đối tượng tuyên truyền, có kiến thức chuyên môn về sinh sản. Nhớ lại những ngày đầu tuyên truyền, chị Trinh gặp không ít khó khăn, khi tư tưởng muốn sinh con trai ăn sâu trong từng nếp nghĩ người dân. “Mưa dầm thấm lâu”, chị không nề hà vất vả tổ chức các buổi tuyên truyền theo nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể tuyên truyền, từng bước giúp người dân hiểu rõ lợi ích của KHHGĐ. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, chị còn vận động những người thân, họ hàng tích cực tham gia “kế hoạch” đảm bảo điều kiện chăm sóc con tốt hơn. Nhờ những cách làm hay nên tỷ lệ tăng DS tự nhiên của xã Xuân Hải giảm xuống 0,9% (năm 2014), tỷ lệ người sử dụng các biện pháp KHHGĐ đạt 86%.
Trên đây chỉ là một vài trường hợp điển hình trong lực lượng những cán bộ DS nhiệt tình tình ở cơ sở. Nhờ sự đóng góp tích cực, lòng “say” nghề của những cán bộ DS trẻ đã góp phần làm chuyển biến tích cực công tác DS-KHHGĐ của tỉnh, là cơ sở để các cặp vợ chồng xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
Mỹ Dung