Mẹ ơi, ước gì hôm nay là thứ sáu!

(NTO) Chuyện học hành “xưa - nay” bao giờ cũng là mối quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, nhất là người mẹ thì việc học hành của con cái ra sao luôn là mối quan tâm lớn nhất. Vậy nên mới thấy đầu tư cho giáo dục của mỗi gia đình Việt luôn là sự đầu tư lớn nhất và đó có thể là một trong những nguyên nhân không ai mong muốn mà câu chuyện dưới đây đề cập đến.

1. Ngày xưa mẹ đi học

Gia đình cha mẹ mình hồi đó ở gần chợ trung tâm thành phố. Nhớ lại thời kỳ bao cấp, cha làm cán bộ công ty quản lý Nhà đất, mẹ là nhân viên bến xe. Ai muốn thuê nhà ở nhờ cha, người nào muốn có vé xe đi gấp nhờ mẹ. Có cha mẹ như vậy kể cũng oai nhưng chẳng hiểu sao nhà có sáu miệng ăn, trừ đứa út lúc đó quá nhỏ, còn lại ba anh em buổi đi học, buổi đi làm phụ kiếm tiền giúp gia đình nhưng cũng chỉ vừa đủ sống.

Ảnh minh họa.

Mình cũng vậy, từ năm học cuối cấp một rồi cấp hai, cấp ba, buổi đi học, buổi bán trà đá ở chợ lượm tiền cắc phụ mẹ. Những ngày hè nắng gắt tranh thủ bán cả lúc trưa, có ngày đến tám, chín giờ tối, về nhà chỉ kịp ăn chén cơm nguội rồi lăn ra ngủ. Tuổi ăn, tuổi ngủ nhưng đang mơ mơ thì nghe mẹ gọi “dậy, dậy nấu ăn”. Lâu dần thành quen, mình như chiếc đồng hồ sinh học: Bốn giờ sáng dậy sớm nấu ăn rồi đi học, chiều bán trà đá, việc chơi nhảy dây, nhảy lò cò với đám bạn chỉ thi thoảng. Nhưng được cái trời cho tư chất thông minh nên mình luôn là học sinh giỏi nhất, nhì lớp. Vậy mà khi kể lại cho con cái nghe chuyện thời gian khổ mẹ nó đi học như thế nào, ai dè chúng “khen” nghe mà bực “mẹ khéo nói quá”, rồi tung hứng “mẹ chỉ cần một buổi đến lớp, không học thêm, không ôn luyện mà đạt học sinh giỏi, mẹ mình đúng là thiên tài”!? Mình ôn tồn giảng giải: Lúc đó thiếu thốn, gian khổ phải làm thêm kiếm sống, mẹ học lúc nghe thầy, cô giảng bài trên lớp, học lúc nấu ăn sáng, học lúc rảnh rỗi khi bán trà đá… nghĩa là rảnh lúc nào học lúc đó. Nhiều lúc bài vở theo mẹ cả vào trong giấc ngủ. Có lẽ thời đó bài vở ít, xã hội chưa phát triển chóng mặt như bây giờ nên việc học hành cũng nhẹ nhàng hơn nên nói lại con trẻ khó tin chăng!.

2. Chuyện học ngày nay của con cháu

Kể chuyện học hành của cha mẹ để chúng thêm tự hào và nỗ lực học thật giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội. Nhưng thấy cách chúng nó học bây giờ mình không sao hiểu nổi. Đứa con lớn học trường THPT chuyên của tỉnh, sáng đến trường, chiều học thêm, tối học kèm, chín giờ tối về đến nhà, đêm học bài, làm bài tập đến mười một, mười hai giờ khuya. Nó vội đến mức “thưa ba đi học, mẹ đi học” để rồi ba nó phải hỏi nửa đùa, nửa thật “ba đâu có đi học”!? Con gái mười sáu mười bảy tuổi rồi mà chưa biết nấu ăn, quét nhà, giặt quần áo… Mình nhắc nhở thì nó nói: Bạn con ai cũng thế. Lo con gái mà không biết nữ công gia chánh thì sau này sẽ ra sao nhưng nghĩ lại cũng khó trách được bởi nó như được lập trình sẵn chỉ có học và học. Đưa chuyện con mình hỏi thăm mấy chị cùng cơ quan, ai cũng nói thời nay nó vậy đấy, xã hội hiện đại sau này tụi nó khắc biết cách lo. Thôi thì đứa lớn khả năng chịu đựng chấp nhận được nhưng còn đứa út đang học “năm thứ nhất tiểu học” (lớp một), hôm rồi cháu hỏi: Bữa nay thứ mấy hả mẹ, mình nói “thứ hai con à”, nó lại nói “mẹ ơi, ước gì hôm nay là thứ sáu”. Nghe như muối xát vào lòng! Điểm lại mới thấy làm mẹ sao mình vô tâm vậy: Cháu bé học tại trường ngày hai buổi, chiều về học thêm cô giáo gần nhà, tối ôn bài tại nhà, chỉ có chiều và tối thứ sáu mới được nghỉ. Cháu ước ngày nào cũng là thứ sáu bởi được nghỉ học, được vui chơi, gần mẹ, gần cha, mình là mẹ cũng quên luôn đứa trẻ rất cần sự gần gũi, yêu thương của cha mẹ hàng ngày. Có điều cái sự học hành của con trẻ giờ đã trở thành chuyện thường ngày của gia đình và xã hội. Điều ước của chúng thật giản đơn nhưng sao có vẻ xa vời: “mẹ ơi, ước gì hôm nay thứ sáu”!?

Sẽ là khiếm khuyết nếu so sánh sự học hành của cha mẹ thời xưa với con cái thời nay nhưng nếu trẻ thơ không biết chuyện chú Cuội, cô Hằng Nga, ông Bụt, không có giờ chơi ô ăn chữ, nhảy dây, thả diều… thì đó không chỉ là trách nhiệm của người làm cha, mẹ, của nhà trường mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.