Vấn đề hôm nay:

Để mỗi bữa ăn thường ngày luôn có thực phẩm an toàn !

(NTO) Không phải ngẫu nhiên mà “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay lại lấy chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”, bởi lẽ rau, thịt là thực phẩm chủ lực và phổ biến trong mỗi bữa ăn hàng ngày của nhiều người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra thường xuyên nhất là tại các doanh nghiệp có tổ chức cho công nhân ăn trưa dẫn đến nhiều người bị ngộ độc…Nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện còn nhiều hạn chế: tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau; tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh trên thịt; nhiễm vi sinh trên rau, thịt…

 
Người tiêu dùng chọn mua rau xanh tại siêu thị Co.op mart Thanh Hà. Ảnh Sơn Ngọc

Mặt khác, nhận thức của một số cơ sở về sự cần thiết phải giám sát dư lượng hóa chất, chất kháng sinh cấm trong chăn nuôi, trồng trọt chưa đầy đủ; phần lớn các cơ sở sản xuất, giết mổ, sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ, rải rác trong khu dân cư, điều kiện vệ sinh chưa đáp ứng yêu cầu. Các sản phẩm không bảo đảm VSATTP này có thể dẫn đến ngộ độc cấp đe doạ đến tính mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, về lâu dài gây ra các bệnh đường ruột, các bệnh mãn tính nguy hiểm. Không những vậy còn tác động xấu đến phát triển sản xuất, làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của nhiều sản phẩm nông nghiệp.

Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm nay diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn quốc nói chung, tỉnh ta nói riêng. Để triển khai thực hiện tốt, vấn đề đặt ra đó là yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương cũng như người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP, giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tập trung thanh tra, kiểm tra việc giết mổ, vận chuyển, chế biến gia súc, gia cầm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về VSATTP; tổ chức ký cam kết cho các doanh nghiệp đảm bảo ATTP... Song song với đó, về lâu dài cần đẩy mạnh phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi an toàn, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y. Các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đối với công tác đảm bảo ATTP nói chung và sản phẩm rau, thịt nói riêng.

Suy cho cùng, việc đảm bảo VSATTP không chỉ trong Tháng hành động mới triển khai mà phải là việc làm thường xuyên hàng ngày trong suốt cả năm. Để đạt kết quả bền vững, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, thường xuyên của các cấp chính quyền, ngành chức năng, thì mỗi người dân cần nâng cao ý thức và hành động trong việc đảm bảo VSATTP, cũng là đảm bảo cho lợi ích, sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.