Phát triển mạng lưới y tế nâng cao sức khỏe nhân dân

(NTO) Vượt qua những khó khăn, thử thách, ngành Y tế tỉnh nhà đã không ngừng vươn lên, nâng cao chất lượng hoạt động trên các lĩnh vực công tác. Bước sang tuổi 23, ngành Y tế đang ngày càng hoàn thiện hơn trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với điểm xuất phát thấp, những ngày đầu tái lập tỉnh, ngành Y tế phải đối mặt muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực thiếu thốn; hoạt động y tế dự phòng cho đến khám, chữa bệnh đều yếu, thậm chí, nhiều xã miền núi còn “trắng” về y tế, dẫn đến có nhiều dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Bắt tay vào “khôi phục” sự nghiệp, ngành Y tế củng cố lại bộ máy tổ chức, đồng thời tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới y tế ở cơ sở, trong đó, ưu tiên xây dựng trạm y tế cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa; lấy công tác y tế dự phòng là chính nhằm đẩy lùi bệnh tật, bên cạnh đó, từng bước nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các tuyến. Đến nay, mạng lưới y tế đã phủ đều khắp trong toàn tỉnh, với kết cấu hạ tầng khang trang, trang thiết bị y tế tương đối đồng bộ gồm: 19 cơ sở khám, chữa bệnh (1 Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, 2 Bệnh viện Đa khoa khu vực, 5 trung tâm chuyên khoa, Bệnh viện Điều dưỡng-Phục hồi chức năng, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi, Bệnh viện Y dược cổ truyền, Trung tâm Y tế Quân-Dân y và 7 trung tâm y tế huyện, thành phố); tính từ phòng khám đa khoa khu vực trở lên, toàn tỉnh có 1.410 giường bệnh, tăng hơn 800 giường so với năm 1992, đạt 24,5 giường bệnh/vạn dân, là chỉ số cao so với trung bình cả nước; 100% xã, phường có trạm y tế. Ngoài ra, ngành cũng quan tâm công tác xã hội hóa y tế, tạo điều kiện thành lập, hoạt động cho các cơ sở y tế tư nhân. Hiện toàn tỉnh có 124 phòng khám tư nhân, trong đó có 4 phòng khám đa khoa, 120 phòng khám chuyên khoa và y học cổ truyền. Mạng lưới cung ứng thuốc, vật tư y tế phát triển với 8 doanh nghiệp, 31 cơ sở bán lẻ thuốc và 2 cơ sở sản xuất thuốc đông y.

 
Cán bộ Trạm Y tế xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Thanh Long

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, ngành Y tế còn chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ các năm 1995, 1996, ngành đã có chủ trương đưa một số y sĩ tại các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã đi đào tạo bác sĩ, sau đó về các trạm y tế công tác. Thực hiện Đề án 1816, ngành còn cử bác sĩ tuyến trên luân phiên xuống hỗ trợ cho các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến dưới, giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế có chất lượng cao, giảm áp lực cho tuyến trên. Đến nay, toàn ngành có trên 5.520 CB, CC, VC; trong đó, có 2.032 nhân viên chuyên môn y tế, đạt 42,9 người/vạn dân; 420 bác sĩ, đạt 7,1 bác sĩ/vạn dân; 34 dược sĩ đại học, đạt 0,57 người/vạn dân; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% thôn, khu phố có nhân viên y tế thôn bản; 47,7% trạm y tế có bác sỹ.

Bác sĩ Lê Minh Định, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tỷ lệ số trạm y tế có bác sĩ như hiện nay vẫn chưa như mong muốn, tuy nhiên, đây kết quả mà ngành Y tế đã hết sức nỗ lực trong điều kiện hoạt động còn hết sức khó khăn. Điều đáng phấn khởi là đội ngũ bác sĩ các trạm y tế đã phát huy vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở cơ sở.

Một ngày đầu tháng Tư, chúng tôi có chuyến đi thực tế đến xã miền núi Phước Chiến (huyện Thuận Bắc), nơi có 100% dân số là đồng bào dân tộc Raglai, để tìm hiểu tình hình hoạt động y tế nơi đây. Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Trạm y tế xã không giấu được niềm vui: Ngoài 1 trạm chính ở thôn Đầu Suối A, xã còn được đầu tư xây dựng hai phân trạm tại thôn Động Thông, Ma Trai. Cơ sở, trang thiết bị y tế của trạm được đầu tư khá đồng bộ. Trạm đã có máy siêu âm, máy điện tim, bộ ghế nha khoa, máy xét nghiệm nước tiểu, các y dụng cụ khác. Về nhân lực, có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 y tá, 2 nữ hộ sinh, 1 dược tá, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhờ được tuyên tuyền, vận động, bà con nơi đây đã có ý thức hơn về phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Chỉ tính riêng năm 2014, trạm đã khám và điều trị cho 4.467 lượt bệnh nhân, tăng 1.063 lượt so với năm 2013.

 
Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Kháng (Thuận Bắc) tổ chức tiêm chủng vắc-xin sởi cho học sinh Trường TH Phước Kháng.
Ảnh: Văn Miên

Được đầu tư đồng bộ cả về nhân lực, vật lực, cùng sự quyết tâm của ngành Y tế, năm 1995, tỉnh ta đã đẩy lùi dịch tả; năm 2000, thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh. Có trên 97% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hằng năm giảm từ 1-1,5%; tỷ suất mắc tai biến sản khoa giảm còn 0,13%...

Chất lượng khám, chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Điểm nhấn trong công tác này phải kể đến việc xây mới và đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa tỉnh, với quy mô 500 giường bệnh, kết cấu hạ tầng khang trang, trang thiết bị y tế hiện đại. Những năm qua, được sự hỗ trợ tích cực của các bệnh viện tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới, trong đó, có cả các kỹ thuật của bệnh viện tuyến trung ương đã được Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai: Tán sỏi bằng laser, thay khớp gối nhân tạo, mỗ thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật thay toàn bộ khớp háng, nội soi khớp, kỹ thuật đặt catheter động mạch rốn trẻ sơ sinh; đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cho trẻ sơ sinh và trẻ lớn... chữa trị nhiều bệnh mà trước đây bệnh viện không thể thực hiện được, phải chuyển lên tuyến trên, qua đó, giúp bệnh nhân tiết kiệm chi phí, giảm tải cho tuyến trên, tạo niềm tin yêu đối với người dân.

Bác sĩ Lê Minh Định, cho biết thêm: Thời gian đến, ngành Y tế tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm tốt công tác phòng bệnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm củng cố mạng lưới y tế, ưu tiên củng cố y tế tại các xã miền núi, vùng khó khăn. Tập trung xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tăng cường thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế, nhất là đối với các chuyên ngành còn thiếu. Tiếp tục cải tiến chất lượng bệnh viện, phấn đấu đưa Bệnh viên Đa khoa tỉnh lên mức 4 (chất lượng tốt); các bệnh viện khác lên mức 3 (mức khá). Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác y tế...

Với những giải pháp thiết thực, tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, ngành Y tế sẽ thực hiện được các mục tiêu kế hoạch đề ra, hoàn thành tốt trọng trách, nhiệm vụ cao cả vì sức khỏe toàn dân, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà...