Sáng ngời tấm gương người mẹ Việt Nam Anh hùng

(NTO) Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày quê hương được giải phóng, đất nước cũng chừng ấy thời gian xây dựng hoà bình. Cùng với thời gian, tuổi các Mẹ Việt Nam Anh hùng lại nhiều thêm, mái đầu thêm bạc trắng, nhưng sự hy sinh của các Mẹ mãi mãi tỏa sáng với quê hương, đất nước.

Chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dọn (phường Phủ Hà, Tp. Phan Rang–Tháp Chàm) vào một ngày đầu tháng Tư lịch sử. Đã bước sang tuổi 88 nhưng Mẹ Dọn vẫn còn khá khỏe và minh mẫn. Trong câu chuyện kể về hoàn cảnh thoát ly và tham gia cách mạng của bản thân, của chồng và các con mình, Mẹ còn nhớ như in từng mốc thời gian và sự kiện. Mẹ bảo: Quê Mẹ ở tận xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định). Năm 1947, sau khi lập gia đình, Mẹ đã sinh được 7 người con (3 trai, 4 gái). Cũng như bao người mẹ khác, Mẹ Dọn mơ ước có một cuộc sống bình yên, đầm ấm bên chồng con, nhưng giặc Mỹ và tay sai không ngừng đàn áp nhân dân ta, bọn chúng lập ấp chiến lược khắp nơi, hòng chia rẽ cách mạng với nhân dân. Căm thù giặc, chồng Mẹ–ông Trần Dậu đã tham gia vào lực lượng du kích. Noi gương cha, người con gái đầu của Mẹ là chị Trần Thị Tấn vừa tròn 17 tuổi, cũng xin vào du kích để cầm súng giết giặc. Ngày ra đi, Mẹ dặn hãy sống sao cho xứng đáng với tấm gương của cha. Vào một chiều cuối năm 1967, trong một trận đánh vào đồn giặc, chồng Mẹ đã hy sinh. Dằn nỗi đau vào lòng, Mẹ lặng lẽ nuôi con với bao kỳ vọng, nhưng một lần nữa, Mẹ lại xé lòng khi biết tin chị Tấn hy sinh. Nỗi đau chưa nguôi, nhưng ba tháng sau, Mẹ lại tiễn người con trai của mình là anh Trần Đình Thế lên đường bổ sung vào lực lượng du kích địa phương. Bao tháng ngày lo lắng phấp phỏng, Mẹ vừa mừng lại vừa lo, vì chiến tranh đang đi vào giai đoạn cuối, nhưng nỗi lo lại đến sớm, nước mắt mẹ già lại khóc con khi ngày 12-8-1971, trong một trận càn của địch, anh thanh niên du kích Trần Đình Thế đã anh dũng ngã xuống. Càng căm thù giặc, Mẹ càng hăng hái hoạt động cơ sở, tham gia tiếp tế lương thực, nuôi giấu cán bộ cho đến tháng 4-1975 khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất, Mẹ cùng các người con còn lại chuyển vào Ninh Thuận sinh sống cho đến nay.

 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hự. Ảnh: Phạm Lâm

Rời nhà Mẹ Dọn, chúng tôi đến thăm gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Hự, ở thôn Lạc Nghiệp (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam). Tuy ở tuổi 87 nhưng Mẹ Hự còn rất khỏe. Sau chén trà mời khách, Mẹ kể: Những ngày quê hương còn nằm trong vòng vây của kẻ thù, chồng Mẹ-ông Nguyễn Hiệu và 3 người con là Nguyễn Hường, Nguyễn Sơn và Nguyễn Lâm một lòng đi theo cách mạng và đã anh dũng hy sinh, bản thân Mẹ lúc đó là Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ xã Xuân Cảnh, huyện Đồng Xuân (nay là Sông Cầu) của tỉnh Phú Yên. Trong thời gian tham gia hoạt động cách mạng, Mẹ Lê Thị Hự đã nhiều lần bị địch bắt vào tù để tra tấn, nhưng Mẹ không một lời khai báo, kiên trung đến mức bọn giặc phải sử dụng hình thức đày đi biệt xứ từ Phú Yên đến Ba Ngòi, rồi vào Ninh Thuận. Gian khổ là thế, nhưng Mẹ vẫn sống và vượt qua, tiếp tục nuôi giấu cán bộ, vừa góp sức vận chuyển lương thực, thuốc men, đưa thông tin liên lạc lên căn cứ cho đến ngày quê hương được giải phóng. Giờ đây, sống trong ngôi nhà tình nghĩa do Nhà nước xây tặng, lòng Mẹ vui lắm, bởi niềm tin của Mẹ vào Đảng, vào cách mạng đã trở thành hiện thực. Mẹ chia sẻ: Cuộc đời Mẹ đã chịu nhiều đau thương, mất mát nên hiểu được cái giá của hòa bình, của đoàn tụ; còn những hy sinh và mất mát của riêng mình, Mẹ xem đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân Việt Nam trong lúc đất nước cần. Mẹ vẫn giữ trọn nghĩa tình thủy chung với cách mạng, mặn mòi như hạt muối quê hương Ninh Thuận luôn thắm đượm nghĩa tình với bà con. Ước nguyện của Mẹ bây giờ là mong sao được sống lâu hơn để nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển, đời sống bà con ngày càng ấm no là vui rồi!

Còn nhiều, nhiều lắm những người Mẹ Việt Nam Anh hùng đã hy sinh đời mình cho Tổ quốc. Những năm qua, để đáp lại công ơn to lớn ấy, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo, phụng dưỡng chu đáo các Mẹ. Các Mẹ bảo, giờ đây “con của các mẹ” nhiều lắm, nào là các anh ở xã, ở huyện và trên tỉnh. Hàng năm vào dịp lễ, tết hay mỗi khi ốm đau “các con” Mẹ đều đến thăm nom... nên rất thanh thản và yên vui với tuổi già.

 
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dọn (ngồi giữa).

Được biết, ngoài 208 Mẹ đã được Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện tỉnh ta đã hoàn tất hồ sơ đề nghị Nhà nước tiếp tục phong tặng thêm 27 Mẹ nữa (trong đó, phong tặng 5 Mẹ và truy tặng 22 Mẹ) vào dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm nay. Dù đang sống hay đã qua đời nhưng tên tuổi, tấm lòng cao cả và công lao như trời biển của các Mẹ vẫn mãi mãi tỏa sáng với quê hương, đất nước. Công lao của các Mẹ không chỉ ghi vào bảng vàng, bia đá mà còn được mọi người tạc dạ ghi lòng, được các thế hệ con cháu kính trọng, biết ơn, tôn vinh và học tập.

Với chúng tôi, những người của thế hệ trẻ hôm nay sẽ không bao giờ quên những hy sinh to lớn ấy của những lớp người đi trước. Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, xin thắp nén hương lòng để sưởi ấm, ghi nhớ công lao to lớn của các liệt sĩ và những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã khuất–những người đã nằm xuống cho Tổ quốc mãi mãi bình yên.