Phát huy khí thế chiến thắng Phan Rang trong công cuộc xây dựng và phát triển Ninh Thuận hiện nay

 
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh
Chủ tịch UBND tỉnh

(NTO) Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở đầu ngày 4 tháng 3 với thắng lợi giòn giã giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3) làm nức lòng quân dân cả nước, gây hoang mang, hoảng loạn trong hàng ngũ địch. Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự chỉ huy kiên quyết, mưu trí, sáng tạo của các Bộ Tư lệnh chiến trường, tinh thần dũng cảm chiến đấu và phục vụ chiến đấu của quân dân ta, chỉ sau một tháng quân ta đã lần lượt giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Nam Trung Bộ.

Ngày 29-3-1975 Trung ương Cục miền Nam đã ra Nghị quyết 15: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình. Phát huy cao độ sức mạnh 3 mũi giáp công, 3 thứ quân, 3 vùng tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhanh chóng đánh sụp toàn bộ Chính quyền Sài Gòn, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Với khí thế tiến công quyết liệt, thần tốc, táo bạo và quyết giành toàn thắng, tự giải phóng xã mình, huyện mình, tỉnh mình và góp phần giải phóng toàn miền Nam. Phải tranh thủ từng giờ, từng ngày từ đầu tháng 4-1975 này”. Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các địa phương, đơn vị khẩn trương tận dụng thời cơ, nỗ lực hoạt động để giải phóng quê hương, không được trông chờ, ỷ lại vào quân chủ lực.

 
Một góc đường 16 Tháng 4 - Trung tâm Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên

Để phối hợp với đòn tiến công quân sự của quân chủ lực, Đảng bộ Ninh Thuận phát động quần chúng nổi dậy diệt địch, giành quyền làm chủ và tổ chức phục vụ chiến đấu. Sáng ngày 14.4.1975, tiếng pháo công kích của đại quân ta bắt đầu nổ, khói lửa trùm lên các điểm chốt của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn... Trên đường 11, Trung đoàn 25 bộ binh, cùng lực lượng địa phương đánh chiếm một số mục tiêu ngoại vi sân bay và đẩy lùi các đợt phản kích của Lữ đoàn dù.

Sáng 16-4-1975, quân chủ lực chia ra làm 3 mũi tiến công giải phóng Phan Rang, sân bay Thành Sơn và Cảng Ninh Chử và bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Bộ chỉ huy tiền phương quân đoàn 3, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Phó Tư lệnh và toàn bộ tùy tùng của Bộ Tư lệnh Quân đội Sài Gòn tại Phan Rang. “Lá chắn thép” của Quân đội Sài Gòn bị đập tan và tỉnh Ninh Thuận được hoàn toàn giải phóng trong ngày 16 tháng 4 năm 1975, góp phần quan trọng trong việc tiến quân của ta tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Được tin chiến thắng Phan Rang, 22 giờ cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sỹ Mặt trận phía Đông và Chỉ thị cho các đơn vị khẩn trương củng cố lực lượng, tiếp tục hành quân và phát triển tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, giành những chiến thắng mới. Thắng lợi ở Phan Rang thể hiện sự tiến bộ của quân đội ta về sức mạnh và nghệ thuật tiến công tập đoàn phòng ngự địch với lực lượng mạnh bằng binh chủng hợp thành.

Trải qua 21 năm, quân và dân Ninh Thuận đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một lòng đi theo Đảng, theo Bác Hồ, chiến đấu anh dũng, ngoan cường bền bỉ, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì nhân dân. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, quân và dân Ninh Thuận đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 31 tập thể và cá nhân được tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 176 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”, cùng hàng vạn huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự khác cho các tập thể và cá nhân có những cống hiến to lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 16-4-1975 – ngày giải phóng hoàn toàn quê hương Ninh Thuận, được đánh đấu như một điểm son chói lọi trong lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Để có được thắng lợi vẻ vang này, Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đã phải chiến đấu ròng rã suốt 21 năm, ngày đêm không nghỉ, vững chí bền gan vượt qua muôn vàn gay go, ác liệt, vượt qua những thời kỳ đấu tranh gian khổ, những năm tháng không thể nào quên. Với những cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý và danh hiệu vinh dự khác cho các cá nhân đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, làm rạng rỡ truyền thống dựng nước và giữ nước của con cháu Bác Hồ và hào khí Thăng Long, dòng dõi Lạc Hồng.

 
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách địa phương.
Ảnh: Duy Anh

Chiến thắng ngày 16-4-1975 là một tất yếu lịch sử, vì đồng bào các dân tộc Ninh Thuận có bề dày lịch sử đấu tranh lâu dài, có truyền thống yêu nước, anh dũng, bất khuất trước kẻ thù xâm lược, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng và Bác Hồ, lại có sự ủng hộ, chi viện về nhân tài, vật lực của 3 miền Bắc-Trung-Nam và tỉnh kết nghĩa Yên Bái là nguồn động lực hết sức to lớn. Đảng bộ đã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi khiến kẻ thù xâm lược phải khiếp sợ và thất bại thảm hại. Chiến thắng giải phóng hoàn toàn Ninh Thuận và miền Nam là một minh chứng đầy sức thuyết phục về vai trò và sức mạnh vô địch của nhân dân, về lòng tin tuyệt đối của Ðảng bộ và nhân dân Ninh Thuận nói riêng, miền Nam nói chung đối với sự lãnh đạo của Ðảng, Bác Hồ; chấp hành nghiêm chỉnh và vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Ðảng vào thực tiễn cách mạng địa phương. Ðây là nguyên nhân và cũng là bài học kinh nghiệm cơ bản, sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu của đại thắng mùa Xuân 1975, sau chiến tranh, cùng với cả nước, Đảng bộ và quân dân Ninh Thuận lại cùng nhau chung sức chung lòng, nỗ lực vượt khó vươn lên và đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, tạo sự chuyển biến khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế–xã hội, quốc phòng–an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Những thành tựu đạt được là cả một quá trình đầy nỗ lực, chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao của Đảng bộ, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cùng với sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của Trung ương; đó là kết quả của ý chí và niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và nhà nước, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đó là kết quả của sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách toàn diện, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với thực tế tình hình của tỉnh; đó còn là kết quả của sự đoàn kết, phát huy có hiệu quả truyền thống cách mạng, những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc và phẩm chất cao đẹp của con người Ninh Thuận được hun đúc qua những chặng đường đấu tranh cách mạng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước và của tỉnh nhà, Ninh Thuận vẫn tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng khá, nhiều chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, năm 2014 GDP đạt 12,4% (kế hoạch là 12-13%), GDP bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng (KH là 26,8 triệu), tổng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch, riêng năm 2014 ước đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ và vượt 13,3% dự toán năm. Nhiều công trình, dự án lớn đã và đang triển khai đạt hiệu quả. Tình hình chính trị trên địa bàn giữ vững; công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, phát triển hạ tầng nông thôn có chuyển biến tích cực; đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, an sinh xã hội đảm bảo; quốc phòng – an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội ổn định; đời sống nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi được quan tâm, cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực; việc chỉ đạo triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn.

 
Vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) được xếp là 1 trong 8 vịnh đẹp của Việt Nam.
Ảnh: Thanh Long

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, đòi hỏi việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch ngành phải có những thay đổi cho phù hợp, nhất là tiếp cận phương pháp lập kế hoạch khoa học, hiện đại để nâng cao trách nhiệm và tính minh bạch trong việc điều hành kinh tế - xã hội; giúp các cơ quan điều hành kế hoạch dễ dàng, chủ động thực hiện các mục tiêu đề ra. Nhận thức yêu cầu quan trọng này, từ năm 2009 được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã thuê tập đoàn Monitor (Hoa Kỳ) và ARUP (Vương quốc Anh) tư vấn xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên, một quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh được tư vấn nước ngoài xây dựng từ đầu với phương pháp và cách thức tiếp cận mới. Trên cơ sở quy hoạch này nhằm thu hút các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, tạo ra hiệu ứng tích cực giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn mới hơn về hình ảnh cũng như tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, chung tay xây dựng Ninh Thuận trở thành điển hình về phát triển trong tương lai; tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị công bố quy hoạch tổng thể và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận; đã thu hút được sự tham gia đầu tư của các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước với nhiều dự án lớn. Những thành tựu đạt được có ý nghĩa quan trọng, là động lực thúc đẩy Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà có thêm sức mạnh mới, niềm tin mới, quyết tâm mới để phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo.

Bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh quốc tế, trong nước và của tỉnh có nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen: Vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, môi trường và các điều kiện cần thiết cho sự phát triển tiếp tục được củng cố tăng cường; nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định và được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; nhất là với những thành tựu có ý nghĩa quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương kể từ sau ngày tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng. Đó chính là cơ sở, là tiền đề để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Ninh Thuận từ năm 2011 đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt; đưa tỉnh nhà bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày càng xanh, sạch, đẹp, vững mạnh phát triển đi lên.

Với những lợi thế đó, Ninh Thuận đã xác định tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2020 theo Quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt, đó là “Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai”, với mục tiêu tổng quát đến năm 2020: Ninh Thuận phải có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh thiên tai; kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình “xanh, sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Mục tiêu tổng quát đề ra chủ yếu dựa trên cơ sở phát triển của 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, trong đó gồm 4 nhóm ngành cơ bản là: (1) Năng lượng sạch; (2) Du lịch; (3) Nông, lâm và thủy sản; (4) sản xuất chế biến; và 2 nhóm ngành phụ trợ là: (5) Giáo dục – đào tạo; (6) Xây dựng. Đây là những ngành vừa là thế mạnh của tỉnh, vừa là xu hướng của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang lựa chọn hướng tới. Với mục tiêu phát triển 6 nhóm ngành này, dự kiến đến năm 2020 sẽ đóng góp 91% GDP của tỉnh và giải phóng 85% lao động xã hội.

Tự hào về chặng đường lịch sử vẻ vang, nhất là những thành tựu đạt được qua 40 năm xây dựng và phát triển kể từ sau ngày tỉnh nhà được hoàn toàn giải phóng đến nay. Với truyền thống đoàn kết, ý chí vượt khó, trí tuệ và bản lĩnh của mỗi người dân Ninh Thuận, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác hiệu quả của các tỉnh, thành phố trong khu vực và với một tầm nhìn chiến lược mà tỉnh đã xác định theo quy hoạch tổng thể; Đảng bộ và nhân dân Ninh Thuận sẽ phát huy tốt những thành tựu đạt được, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác tốt các nguồn lực, đẩy mạnh phong trào thi đua lập nên những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa – giáo dục, giữ vững quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành “Điểm đến của Việt Nam trong tương lai”.