Ninh Phước: Trên bước đường đổi mới

(NTO) Trong thời kỳ kháng chiến, Ninh Phước đã đóng góp to lớn về sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1996.

Phát huy truyền thống cách mạng, 23 năm sau ngày tái lập tỉnh và hơn 5 năm kể từ khi điều chỉnh địa giới hành chính với huyện Thuận Nam, bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân, Ninh Phước hôm nay đã có những bước tiến dài. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân địa phương được nâng lên rõ rệt, diện mạo quê hương có nhiều đổi mới.

 
Trung tâm huyện Ninh Phước. Ảnh: Thanh Long

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước nhìn nhận: Những năm đầu sau ngày giải phóng, vừa xây dựng, củng cố công tác Đảng, công tác chính quyền, vừa khôi phục nền kinh tế-xã hội sau chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đối mặt với không ít khó khăn. Song, dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ huyện qua các thời kỳ, cán bộ và nhân dân Ninh Phước đã kế thừa truyền thống anh hùng cách mạng, ra sức khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trong từng thời kỳ. Nhìn tổng thể bức tranh phát triển những năm qua, bình quân hàng năm với tốc độ tăng trưởng 16,4%, có thể thấy rõ Ninh Phước đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Ước đến cuối nhiệm kỳ 2011-2015, tổng giá trị các ngành sản xuất tăng gấp 2,1 lần và thu nhập bình quân đầu người gấp 2,7 lần so với thời kỳ chia tách huyện. Riêng năm 2014, dù trong điều kiện còn khó khăn, nhưng kinh tế huyện nhà tiếp tục tăng trưởng khá và chất lượng được nâng lên, nhất là ngành thương mại-dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 16,01% so với năm 2013, vượt 2,92% kế hoạch năm, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 16,89%, thương mại-dịch vụ tăng 21,58%.

Với giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm trên 45% cơ cấu ngành và hơn 70% dân số là nông dân, Ninh Phước đã xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hướng đi chủ lực và bền vững cho kinh tế huyện nhà. Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo các mô hình tiên tiến, huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh hỗ trợ nông dân vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Diện tích cây trồng có thương hiệu cạnh tranh được khôi phục và phát triển, nâng diện tích nho lên 334,3 ha và diện tích táo lên 718 ha. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Huyện ủy đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 20-12-2011 để lãnh đạo. Tính đến nay, có các xã Phước Thái, Phước Sơn hoàn thành 14 tiêu chí; xã Phước Vinh đạt 13 tiêu chí, xã Phước Thuận đạt 11 tiêu chí, các xã còn lại (Phước Hữu, Phước Hậu, An Hải, Phước Hải) đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Diện mạo nông thôn mới thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh. Các khu dân cư vùng trung tâm huyện, thị trấn hay khu dân cư nông thôn được quy hoạch khang trang; đã có 100% trục đường liên xã và 57,5% trục đường nội thôn được kiên cố hóa; hơn 80% thôn, khu phố văn hóa; 9/9 xã, thị trấn có thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2015 các xã điểm (Phước Thái, Phước Sơn, Phước Vinh) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 
Nông dân huyện Ninh Phước đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Sau 40 năm tỉnh nhà được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Phước luôn ý thức được rằng, những thành quả hôm nay có được là sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ cả tỉnh nói chung và của địa phương nói riêng. Chính vì vậy, trong những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công được toàn dân hưởng ứng tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực. Huyện đã thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Các phong trào giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xoá nhà ở tạm bợ, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”... được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và ngày càng đi vào chiều sâu. 

Phát huy những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân huyện Ninh Phước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; tăng cường đoàn kết, nhất trí, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tăng nhanh tốc độ tăng trưởng gắn với phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ bản về hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội nhằm xây dựng huyện nhà ngày một giàu đẹp, xứng đáng với lòng mong đợi của nhân dân.