Truyền thống đánh giặc kiên cường
Cuối tháng 4-1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đi vào giai đoạn quyết định. Để “thần tốc” đánh vào sào huyệt cuối cùng, đẩy nhanh sự tan rã của chính quyền Sài Gòn, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định sử dụng máy bay chiến lợi phẩm A-37 thu được của địch để ném bom phá hủy sân bay Tân Sơn Nhất.
Ảnh: Hoàng Trung
Với tinh thần hết sức khẩn trương, chỉ trong vòng 5 ngày (từ ngày 23 đến 27-5-1975), sau khi thành lập, Phi đội Quyết thắng đã ra sức huấn luyện, chuyển loại bay, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Để đảm bảo tính bất ngờ, chiều ngày 28-4-1975, phi đội được lệnh xuất kích. Đồng chí Nguyễn Thành Trung được giao nhiệm vụ dẫn đội, các phi công Nguyễn Văn Lục, Hoàng Mai Vượng, Hán Văn Quảng, Từ Đễ, Trần Văn On điều khiển 5 máy bay xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bất ngờ ném bom trung tâm đầu não của địch ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo lời kể của phi công Nguyễn Văn Lục, nguyên Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng: Khoảng 16 giờ 20 phút, ngày 28-4, từ sân bay Thành Sơn, chúng tôi cất cánh vào Sài Gòn. Do thời tiết xấu, trong khi đó bay từ đây vào Sài Gòn, chúng tôi cũng chưa nắm được địa tiêu và địa hình mà chủ yếu chỉ qua nghiên cứu trên bản đồ. Là người thạo địa hình hơn, Nguyễn Thành Trung được Tư lệnh giao cho nhiệm vụ bay dẫn phi đội. Để đảm bảo không bị kẻ địch bắn trả, chúng tôi phải đảm bảo tuyệt đối yếu tố bí mật, bất ngờ. Do đó, toàn bộ không sử dụng vô tuyến, không có hệ thống dẫn đường mà phải thực hiện “4 tự”: tự đi, tự tìm, tự đánh, tự về. Chính vì thế mà chúng tôi đã chủ động bay với các độ cao thấp, bay ở địa hình mà địch không thể ngờ tới được. Khi tiếp cận mục tiêu thì tiến hành oanh kích tiêu diệt làm cho địch không kịp trở tay. Sau đó, bay về nơi xuất phát đảm bảo tuyệt đối an toàn”.
Huyện đoàn Ninh Hải phối hợp với chiến sĩ Trung đoàn Không quân 937
làm đường giao thông nông thôn tại thôn An Xuân 3, xã Xuân Hải.
Cuộc oanh kích táo bạo, bất ngờ của phi đội đã phá hủy 24 máy bay địch, tiêu diệt nhiều sỹ quan và nhân viên chuyên môn kỹ thuật, gây hoảng loạn tâm lý trong hàng ngũ địch. Trận đánh của Phi đội Quyết thắng vào sân bay Tân Sơn Nhất-một trong những sào huyệt của Chính quyền Sài Gòn đã góp phần đẩy nhanh sự tan rã của địch, trực tiếp góp phần vào Chiến thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Nôi” đào tạo những phi công dũng cảm
Đến sân bay Thành Sơn, căn cứ của Trung đoàn Không quân 937 đúng vào dịp đơn vị đang tổ chức đợt ra quân huấn luyện lập thành tích chào mừng 40 năm thành lập Trung đoàn và giải phóng miền Nam. Từ tờ mờ sáng, đã cảm nhận được không khí khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, đặc biệt là các phi công, thợ máy trước khi bay… Chỉ trong một thời gian ngắn, máy bay được kéo ra tập kết tại bãi, kiểm tra máy móc, thiết bị, nạp dầu, sẵn sàng nhận lệnh cất cánh… Từ đài quan sát có thể nhìn thấy từng chiếc máy bay chạy đà với tốc độ nhanh, rồi lao vút lên không trung như một mũi tên, hòa vào bầu trời ban mai.
Thượng tá phi công Hoàng Văn Chiến, Chính ủy Trung đoàn 937 cho biết: Nhiệm vụ chính của đơn vị là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, biên giới, hải đảo và thềm lục địa, trong đó ưu tiên đặc biệt là bảo vệ khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực Nhà dàn DK thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tổ chức huấn luyện bay cho phi công là một phần trong sứ mệnh đào tạo phi công tiêm kích bom có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh, giúp họ hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Với nhiệm vụ được giao, nhiều năm qua, Trung đoàn đã luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu huấn luyện bay, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Nhiều năm liền, Trung đoàn 937 giữ vững danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Đơn vị huấn luyện giỏi, được Tư lệnh Quân chủng tặng cờ Đơn vị dẫn đầu khối trung đoàn bay phản lực.
Tiếp xúc với đội ngũ phi công trẻ của Trung đoàn 937, chúng tôi cảm nhận được niềm say mê, khát khao chinh phục bầu trời của họ. Vốn ham bay, say tập, không chỉ hoàn thành xuất sắc nội dung huấn luyện bay theo yêu cầu, mà còn thực hiện tốt những bài bay kỹ thuật phức tạp, bay đường dài, chặn kích, ném bom mục tiêu mặt đất, mặt biển…
Thượng tá Hoàng Văn Chiến, Chính ủy Trung đoàn Không quân 937 cho biết thêm: “Phát huy truyền thống năm xưa, Trung đoàn không ngừng xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng; ra sức phấn đấu, tập luyện thành những phi công giỏi để canh giữ bình yên bầu trời của Tổ quốc, để luôn xứng đáng với 16 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho Không quân Nhân dân Việt Nam Anh hùng: “Trung thành vô hạn, tiến công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể”.
Rời sân bay Thành Sơn, cảm nhận của chúng tôi về những người lính không quân Trung đoàn 937 với sự cảm phục. Họ không chỉ là những người lính sẵn sàng làm nhiệm vụ khi Tổ quốc cần, mà còn là những người tiếp nối truyền thống không quân với nhiều sáng tạo, có bề dày kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, làm chủ được những trang bị khí tài hiện đại… Đó chính là thuận lợi để đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ bình yên Tổ quốc.
Ngũ Anh Tuấn