Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ông đã lãnh đạo và tổ chức cho nhân dân xã Phước Thành bỏ ấp chiến lược Bà Râu, trở về sống với núi rừng, ủng hộ cách mạng kháng chiến. Ông vận động nông dân liên kết thành những tổ vần đổi công, giúp nhau tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, nâng cao đời sống gia đình và ủng hộ Bộ đội cụ Hồ ăn no, đánh giặc. Gia đình ông ủng hộ cho cách mạng 130 giạ bắp và đóng góp 90.000 cây chông.
Chân dung Anh hùng LLVT Pi-năng Tắc qua di ảnh gia đình lưu giữ.
Ông chiến đấu dũng cảm, bảo vệ cán bộ an toàn, thương yêu, giúp đỡ nhân dân và được đồng bào Bác Ái hết mực tin yêu. Vào năm 1961, ông đã tổ chức một trận địa phục kích bằng bẫy đá tại triền núi Gia Túc, xã Phước Bình. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sông sâu, ông cho lập 17 chiếc bẫy đá liên hoàn trên đoạn đường dài khoảng 500 m, phía dưới đoạn đường cho cắm chông, xoa bẫy và cung tẩm độc. Trận đánh ngoạn mục bằng bẫy đá là điển hình của nghệ thuật sử dụng vũ khí thô sơ trong thế trận chiến tranh nhân dân. Với thắng lợi vang dội của trận đánh, Pi-năng Tắc, người con của dân tộc Raglai anh hùng đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bẫy đá Pi-năng Tắc đã đi vào lịch sử như một huyền thoại chống giặc ngoại xâm của dân tộc Raglai và nay đã trở thành Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Đó là những điều mà hậu thế chúng tôi- những người sinh ra giữa thời bình qua sử sách, rất đỗi tự hào về người con kiên trung của núi rừng, người anh hùng của nhân dân tỉnh Ninh Thuận nói chung, đồng bào Raglai Bác Ái nói riêng. Hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống lực lượng Dân quân tự vệ Việt Nam, chúng tôi đã làm một cuộc hành trình về Bác Ái, tìm gặp thân nhân Anh hùng Pi-năng Tắc.
Ngôi nhà của Anh hùng Pi-năng Tắc nằm ở thôn Trà Co 2 (xã Phước Tiến) do chị Chamaléa Thị Ái, cháu ruột của ông trông nom và hương khói. Hằng năm, mỗi dịp lễ, tết và kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đều có lãnh đạo tỉnh đến thăm hỏi, tặng quà. Là con cháu của Anh hùng, chị rất đỗi tự hào và phấn đấu sống, lao động thật tốt để xứng đáng với truyền thống gia đình. Qua câu chuyện với chị Ái, chúng tôi biết thêm, hiện có 2 trong số 6 người con của Anh hùng Pi-năng Tắc là bà Chamaléa Thị Nhung, đang sinh sống tại xã Phước Tiến và ông Chamaléa Công, sống ở xã Phước Bình.
Phần mộ Anh hùng LLVT Pi-năng Tắc.
Từ xã Phước Hòa, băng qua cung đường mới hơn chục cây số, chúng tôi tìm đến thôn Gia É, xã Phước Bình để gặp ông Chamaléa Công, năm nay đã 65 tuổi, con trai út của Anh hùng Pi-năng Tắc. Trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, treo 2 tấm Bằng khen đã ngả màu “Huy chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Nhất” của ông Chamaléa Công và “Huân chương Kháng chiến hạng Nhất” của vợ là Ka-tơ Thị Hiểu. Nhấm nháp tách trà mới, ông Công chậm rãi giúp chúng tôi hình dung về thời ông còn là một cậu bé. Ngày Anh hùng Pi-năng Tắc đi làm cách mạng, ông còn chưa ra đời nên ký ức về người cha rõ nhất là khi ông được cha giáo dục và định hướng con đường tham gia kháng chiến. Ông kể: Hồi đó, Ama Tắc lên núi, thỉnh thoảng mới về nhà. Về lần nào cũng dặn mấy anh chị em tôi và bà con trong làng không được nghe lời, tin lời và đi theo thằng giặc. Tụi nó ác lắm, dụ cho thóc, cho lúa là nó bắt nhốt, không cho đi đâu, làm tù binh, làm tay sai cho nó thôi! Theo Bác Hồ, theo cách mạng tuy có khổ nhưng mà vinh quang cái bụng, sáng cái đầu… Khi đã đến tuổi thanh niên, ông nhớ lúc đó là năm 1967, vừa tròn 17 buổi, ông theo gót các anh, các chị đi kháng chiến. Rất nhiều thanh niên nam, nữ trong làng cũng theo Ama Tắc đi làm cách mạng, làm bẫy đá giết giặc, giữ làng, giữ dân.
Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng trận đánh của Anh hùng Pi-năng Tắc vẫn còn mãi. Khu Di tích bẫy đá Pi-năng Tắc thường xuyên thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Những người thân của Anh hùng Pi-năng Tắc cùng những cựu chiến binh từng biết đến trận đánh năm xưa vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của quê hương, lại kể cho con cháu nghe chuyện Anh hùng Pi-năng Tắc đánh giặc, hun đúc niềm kiêu hãnh và tự hào về người con ưu tú, người anh hùng của núi rừng Bác Ái kiên trung.
Bảo An