Năm nào cũng vậy, cứ đến kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), những người lính Quân đoàn 2 đang sinh sống trên quê hương Ninh Thuận lại có dịp gặp nhau, ôn lại những chiến công hào hùng của thời chiến tranh đạn lửa.
Ông Lê Bá Nhẫn, Nguyễn Xuân Cường và Lê Năng Lừng (từ trái sang) là ba trong số những cán bộ,
chiến sĩ Quân đoàn 2 được cử về Ninh Thuận công tác sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Qua Ban liên lạc Hội cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 tại Ninh Thuận, chúng tôi có cuộc gặp gỡ một số người lính năm xưa tại ngôi nhà của bác Lê Năng Lừng, ở khu phố Ninh Chử 2, (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải), nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 từng trực tiếp tham gia phá “Lá chắn thép” của địch ở Du Long, cùng với lực lượng địa phương giải phóng Phan Rang, mở đường tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Bác Lê Bá Nhẫn ở cùng khu phố với bác Lừng cũng bách bộ sang chơi khi được tin một số anh em trong Ban liên lạc hội ngộ “bất thường”!
Trong câu chuyện của những người lính già, cảm xúc ngày giải phóng ùa về, họ thay phiên nhau nhắc nhớ một thời hào hùng của dân tộc… Chúng tôi chăm chú nghe kể lại tiến trình Quân đoàn 2 tham gia giải phóng tỉnh nhà. Theo lời kể, lúc bấy giờ, sau khi giải phóng các tỉnh miền Trung, theo chỉ thị của Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải, Quân đoàn 2 đã tiến vào thị xã Phan Rang, bất ngờ gặp sự kháng cự quyết liệt của địch tại phòng tuyến Du Long, hòng ngăn cản bước tiến của quân ta. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã chỉ thị rõ đúng 5 giờ ngày 16-4-1975, Sư đoàn 325 phải nổ súng mãnh liệt tiến công địch và ngay trong ngày hôm đó phải chiếm gọn thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn, cảng Tân Thành, Ninh Chử; phối hợp cùng Sư đoàn 3 và lực lượng địa phương giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Chính vì vậy, ngay trong đêm 15-4, toàn bộ lực lượng của Sư đoàn 325 đã triển khai lên mặt đường số 1, sử dụng Trung đoàn 101 (có bác Lừng tham gia) đánh bộ, có một tiểu đoàn xe tăng-thiết giáp thuộc Lữ đoàn 203 của anh Hoàng Mạnh Độ lúc bấy giờ là trung sĩ lái xe, hiện sinh sống ở xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) phối hợp làm lực lượng đột phá chủ yếu vào tập đoàn phòng ngự của địch. Trong đội hình có thêm lực lượng của Trung đoàn 84 pháo cao xạ của bác Lê Bá Nhẫn (lúc ấy là Thiếu tá tham mưu) và Trung đoàn 284, Sư đoàn 673 phòng không tiếp viện cho bộ binh đánh địch, bảo vệ đội hình tiến công của Trung đoàn 101; Sư đoàn 3 chi viện hỏa lực.
Kể đến cuộc chạm trán giữa ta và địch ở Bà Râu, những người lính già bỗng xúc động nhớ đến hai đồng đội quả cảm là anh Trần Văn Thu và Nguyễn Văn Tam lái xe chở đạn bổ sung cho Trung đoàn 84 pháo binh, do đêm tối đi nhầm vào khu vực địch, đã bình tĩnh đánh trả chúng, bảo vệ xe đạn an toàn, tiếp thêm tinh thần và quyết tâm cho cả đoàn quân đánh thông cửa ngõ vào Phan Rang. Tiến quân vào thị xã, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Trường (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101) cùng các chiến sĩ trong đơn vị đã lập tức vứt bỏ cờ địch, kéo lá cờ giải phóng lên cột cờ trước sân Dinh tỉnh trưởng Phan Rang. 7 giờ sáng 16-4, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Rang. Một số bộ phận của Quân đoàn 2 phối hợp với lực lượng địa phương và Sư đoàn 3 đánh chiếm khu vực các cảng biển và sân bay Thành Sơn. Đến 9 giờ 30 phút ngày hôm ấy, quân ta làm chủ sân bay Thành Sơn, tỉnh Ninh Thuận được giải phóng. Tin báo được khẩn trương về Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh, các binh chủng hiệp đồng của Cánh quân Duyên Hải tiếp tục tiến vào giải phóng Sài Gòn. Bác Nhẫn xúc động cho biết: Khi nhìn thấy lá cờ giải phóng tung bay trên cột cờ Dinh tỉnh trưởng, tôi cũng như đồng đội đã bật khóc vì sung sướng. Đặc biệt là sau khi làm chủ sân bay Thành Sơn, địch tháo chạy, người dân đổ ra đường đón chào đoàn quân giải phóng, lúc đó tôi có cảm giác như đang trở về nhà mình. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn của bác Hoàn tham gia đập tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc-Long Khánh của địch, mở cửa ngõ phía đông cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Thời điểm trưa ngày 30-4 khi cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, tin chiến thắng truyền nhanh đến mức dù ở đội hình phía sau nhưng bác Lừng, bác Nhẫn vẫn không thể giấu nổi niềm vui khi nghĩ về các cụm từ “chiến thắng”, “hòa bình”, “thống nhất”, “đoàn tụ”, “không còn bom đạn”. Bác Lừng xúc động: Không hiểu sao trong lúc đó, nước mắt tôi lại trào ra. Giọt nước mắt của hạnh phúc, của vui sướng. Đó cũng là giọt nước mắt cho biết bao đồng đội đã hy sinh…
Bác Nguyễn Xuân Cường - Phó Ban liên lạc Hội cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 tại Ninh Thuận cho biết thêm: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, có khoảng 300 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị của Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều anh em trực tiếp đánh vào giải phóng Ninh Thuận được tổ chức cử sang làm nhiệm vụ xây dựng chính quyền sau cách mạng tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (Thuận Hải cũ). Các anh em đảm nhận nhiều vị trí khác nhau của công tác Đảng, công tác chính quyền và xây dựng kinh tế. Chẳng hạn như anh Lừng về Đồn Biên phòng Ninh Chử; anh Nhẫn về Xí nghiệp xi-măng Phương Hải; anh Trần Thân (Tân Sơn, Ninh Sơn) làm công tác Cựu chiến binh… Khi về hưu, nhiều anh cũng tích cực tham gia cấp ủy chi bộ ở địa phương nơi cư trú. Để tập hợp anh em lại với nhau, năm 1999, Ban liên lạc Hội cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 tại Ninh Thuận được thành lập, hiện còn 45 anh em mà chúng tôi thường xuyên liên lạc, gặp gỡ hàng năm. Mục đích là gặp nhau ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến; nhắc nhở nhau giáo dục các thế hệ con cháu tình yêu quê hương, đất nước; tham gia chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, quyết tâm tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ ở rải rác các nơi về quê nhà; tổ chức các hoạt động tham quan, tưởng niệm các di tích anh hùng liệt sĩ trong và ngoài tỉnh.
Hòa chung niềm hân hoan kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng tỉnh nhà, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính Quân đoàn 2 trên đất Ninh Thuận lại gặp nhau trong niềm vui quê hương “lá chắn thép” đã thay da đổi thịt. Họ đã gắn bó nơi đây như nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình với niềm tin tưởng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển tươi đẹp như niềm tin tất thắng của chiến dịch mùa Xuân lịch sử 1975 ngày ấy.
Diễm My