Căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) cách trung tâm Sài Gòn khoảng 30km về phía tây bắc, được Sư đoàn bộ binh 25 “tia chớp nhiệt đới” Mỹ xây dựng đầu năm 1966 và được bàn giao lại cho Sư đoàn bộ binh 25 Quân đội Sài Gòn khi quân Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Đây là căn cứ quân sự hỗn hợp rộng lớn (dài 2,8km, rộng 1,8km) có vị trí chiến lược quan trọng, không chỉ là nơi xuất phát các cuộc tiến công “tìm diệt” Quân Giải phóng của Sư đoàn “tia chớp nhiệt đới” Mỹ (trong chiến tranh cục bộ); các cuộc hành quân đánh phá của Sư đoàn 25 Quân đội Sài Gòn đối với lực lượng vũ trang và nhân dân ta ở miền Đông Nam Bộ (trong Việt Nam hóa chiến tranh), mà còn là một trong những trọng điểm kiên cố trong tuyến phòng thủ tây bắc Sài Gòn. Vì vậy, mặc dù lúc này trong cơn hấp hối của chế độ Sài Gòn, tinh thần binh sĩ hoang mang dao động nặng nề, nhưng chuẩn tướng Lý Tòng Bá-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 25 và một số sĩ quan vẫn cậy quân số đông (khoảng 3000 tên), lắm xe, nhiều súng, hệ thống vật cản với hàng rào thép gai khổng lồ cài mìn đủ loại rộng 80m đến 100m, hào giao thông và lô cốt dày đặc, xung quanh căn cứ địch lại có Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 50 ở Ấp Mới; Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 50 ở Trảng Bàng; Trung đoàn 46 ở Đồng Chùa-Suối Sâu… sẵn sàng chi viện, nên rất ngoan cố, bắt quân lính “tử thủ” đến cùng.
Bộ đội Sư đoàn 320A đánh chiếm căn cứ Đồng Dù ngày 29-4-1975. Ảnh tư liệu.
Với phương châm tác chiến bí mật bất ngờ, đột phá trận địa phòng ngự của địch bằng sức mạnh hợp đồng binh chủng, đúng 5 giờ 30 phút sáng 29-4-1975, Sư đoàn 320A do Sư đoàn trưởng Bùi Đình Hòe chỉ huy, đã ra lệnh cho Trung đoàn 48 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu phía tây bắc, Trung đoàn 9 đảm nhiệm hướng tiến công thứ yếu phía tây nam và các lực lượng pháo binh, xe tăng tiến công căn cứ Đồng Dù. Sau 30 phút pháo binh các loại của ta bắn cấp tập vào các vị trí xung yếu (tuyến phòng ngự ngoài cùng) vừa chuyển làn vào trung tâm căn cứ địch, hai Trung đoàn 48 (Trung đoàn trưởng Lê Quang Bình) và Trung đoàn 9 (Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Ấn), lập tức cho bộ đội xung phong phá rào mở cửa đánh chiếm đầu cầu.
Trận đánh ngay từ phút đầu đã diễn ra hết sức quyết liệt. Ở hướng tây bắc, hai Tiểu đoàn 1, 3 của Trung đoàn 48 mở hai cửa (cách nhau hơn 100m), mặc dù được pháo cối, ĐKZ và xe tăng trực tiếp chi viện, nhưng qua hai giờ tiến công với ba lần đột phá, Đại đội 3 (Tiểu đoàn 1) và Đại đội 11 (Tiểu đoàn 3) vẫn chưa mở xong hàng rào cuối cùng, trong khi đó quân số thương vong lên tới hàng chục người, 3/4 xe tăng đã bị phá hủy. Ở cửa mở tây nam, Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 9) sau hai lần cho hai phân đội xung phong mở cửa, chẳng những bị hỏa lực dày đặc của địch trên bờ thành đất cản lại (có trung đội hy sinh gần hết), 4 xe tăng đi sau hỗ trợ bị bắn hỏng, mà còn bị Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 46) đối phương được một chi đoàn xe thiết giáp yểm trợ từ Ấp Mới về phản kích vào sau lưng đội hình trung đoàn, buộc chỉ huy trung đoàn phải san sẻ lực lượng (Tiểu đoàn 4) đánh quân cứu viện.
Để xử lý tình huống phức tạp này, Bộ tư lệnh Sư đoàn 320A lệnh cho Trung đoàn 48 đưa lực lượng dự bị gồm Tiểu đoàn 2 và đại đội xe tăng vào đột phá theo cửa mở Tiểu đoàn 1. Đại đội 7 rồi Đại đội 6 (Tiểu đoàn 2) được xe tăng yểm trợ, đã đột phá mãnh liệt vượt qua cửa mở đánh chiếm khu công binh, trường huấn luyện, đè bẹp hàng chục ổ đề kháng dài hàng trăm mét của địch. Chớp thời cơ, hai Tiểu đoàn 1 và 3 cùng bật dậy phát triển ra hai bên rồi nhằm hướng cột ăng-ten lớn (nơi có Sở chỉ huy Sư đoàn địch) đánh tới. Sau hơn một giờ đột phá qua các cụm chốt trong căn cứ đối phương, Trung đoàn 48 và một bộ phận của Trung đoàn 9 đã làm chủ Sở chỉ huy Sư đoàn 25. Lý Tòng Bá và cấp dưới cải trang chạy ra rừng cao su Bắc Hà lẩn trốn đã bị du kích Củ Chi bắt sống. 11 giờ ngày 29-4, Sư đoàn Bộ binh 320A hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù.
Như vậy, sau 5 giờ chiến đấu dũng mãnh, người trước ngã, người sau tiến, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320A đã giành thắng lợi, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3000 tên, thu và phá hủy 4.900 súng các loại (có 19 khẩu pháo 105mm đến 175mm), hơn 400 xe quân sự (có 23 xe tăng, xe bọc thép), bắn rơi 2 máy bay… Chiến công xuất sắc này không chỉ nói lên ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn trong chiến dịch mang tên Bác Hồ vĩ đại, góp phần quan trọng đập tan “cánh cửa thép” tuyến phòng ngự phía tây bắc Sài Gòn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng binh chủng hợp thành của quân đoàn thọc sâu đánh thẳng vào nội đô, cùng các cánh quân khác tiêu diệt sào huyệt địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân