Trước ngày Tổng tiến công và nổi dậy, chúng tôi-một bộ phận của Thành đoàn di chuyển về khu vực Ngã bảy-Bàn Cờ-Vườn Chuối, tập hợp nhân dân sẵn sàng nổi dậy công khai. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là nắm lại dân cư, khu xóm và các trạm chốt phòng vệ, an ninh, chỉ điểm của địch... đồng thời vận động quần chúng sẵn sàng khống chế các lực lượng này. Lực lượng nòng cốt được xây dựng tại khu vực có khoảng 5 gia đình. Đây là cơ sở để cung cấp vật chất, vũ khí (mang từ ngoại thành vào) hoặc tự chế tạo một số vũ khí để tự vệ. Cùng với đó là chuẩn bị tài liệu, phương tiện để in, chuẩn bị sẵn vải để may cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, vải để làm khẩu hiệu, cùng với loa phóng thanh, máy cát-xét dùng pin và băng thu các nội dung như: Lời kêu gọi của Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn-Gia Định, chính sách binh vận của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam... Ngoài ra, chúng tôi còn chuẩn bị cả lương thực, thực phẩm, dự kiến cả các công việc phải làm trước, trong và sau cuộc nổi dậy.
Nhân dân nổi dậy ở khu vực Bàn Cờ. Ảnh tư liệu.
Ở khu vực này, chúng tôi chọn căn nhà số 115 Bàn Cờ nằm đối diện trạm gác của trụ sở an ninh chính quyền Sài Gòn làm điểm tổng chỉ huy nổi dậy. Căn nhà số 148 Lý Thái Tổ của đồng chí Phạm Thị Ba, là chị ruột của đồng chí Phạm Chánh Trực (bí danh Năm Nghị, Bí thư Thành đoàn) là cơ sở để in ấn tài liệu, khẩu hiệu, biểu ngữ. Ngoài ra, căn nhà số 6A Bàn Cờ của má Tô Kim Ngọc được chọn là điểm nghi binh lừa địch dưới hình thức cửa hàng tạp hóa... Để chuẩn bị đón Quân Giải phóng vào thành phố, các đoàn viên tổ chức các cơ sở nắm tin tức thường xuyên, thành lập đội cứu thương lưu động, đội vận động quần chúng, nắm tình hình từng gia đình… Nhiều gia đình là cơ sở cách mạng nuôi giấu cán bộ cốt cán trong phong trào học sinh, sinh viên các trường: Cao Thắng, Petrus Ký, Gia Long... Bên cạnh vẻ yên lặng, lam lũ của một khu dân cư tập trung, phần lớn người dân lao động chứa đựng tinh thần sục sôi cách mạng. Mỗi người làm một việc: Nấu cơm, làm bánh, tiếp tế, giao liên... Có gia đình âm thầm may cờ, khẩu hiệu cả ngày đêm. Đặc biệt, các lực lượng của ta được sự giúp đỡ nhiệt tình của các tổ chức tôn giáo, từ tăng ni phật tử đến các tu sĩ, các tín đồ Thiên chúa giáo... nên mọi hoạt động diễn ra suôn sẻ, tránh được tai mắt của địch.
Gần 9 giờ ngày 30-4-1975, chúng tôi nhận được lệnh nổi dậy khởi nghĩa của đồng chí Năm Nghị. Ngay lập tức, hai lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và biểu ngữ thật lớn mang dòng chữ “Hoan hô Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam” được các đoàn viên giăng ngang đầu đường Bàn Cờ và góc đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh). Đồng thời, lực lượng đoàn viên của ta rải truyền đơn, thu lượm vũ khí. Loa phóng thanh được treo trên nóc nhà số 115 Bàn Cờ phát liên tục lời kêu gọi Chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam và hướng dẫn những công việc cấp bách phải làm. Người dân bắt đầu đổ ra đường. Binh lính ngụy bỏ súng đầu hàng và ra trình diện hàng loạt. Lực lượng của ta cùng nhân dân kê bàn ghế, lập danh sách cụ thể từng người tại số 115 Bàn Cờ. Cùng với lực lượng tại chỗ, nhiều đoàn viên đã tham gia tịch thu vũ khí của địch. Trong phút chốc, hàng nghìn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay phấp phới khắp các khu phố.
Riêng các đội xung kích thì huy động lực lượng thanh niên cùng nhân dân chia thành các hướng tiến hành xóa, hạ cờ của chế độ ngụy quyền Sài Gòn, vẽ hoặc treo cờ giải phóng. Các má, các chị phấn khởi lấy vải, tiếp tục may cờ giải phóng. Những băng thu các bài hát: Tiến về sài Gòn, Sài Gòn quật khởi… được phát liên tục trên xe loa cổ động, tập hợp mọi người hăng hái tham gia nổi dậy giành chính quyền, tiếp quản từng khu vực. Đặc biệt, nam, nữ thanh niên, học sinh, sinh viên các khu phố nô nức xin gia nhập lực lượng tự vệ, chia nhau thu gom vũ khí, kêu gọi sĩ quan, binh lính ngụy ra trình diện. Thật bất ngờ là 10 đội tự vệ được thành lập chỉ trong vài giờ đồng hồ. Mỗi đội có từ 15 đến 20 thành viên. Anh em đeo băng đỏ trên tay mang dòng chữ “Lực lượng thanh niên võ trang Tự vệ Sài Gòn-Gia Định”. Họ hăm hở làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự đường phố, vì thời điểm đó, bộ đội ta chưa vào tới khu vực này. Nhân dân chung tay vận động các tiểu thương chợ Bàn Cờ tiếp tế lương thực, thực phẩm cho các lực lượng cách mạng. Cuối ngày 30-4-1975, khu vực Bàn Cờ đã thu gom được gần 1.500 khẩu súng các loại, hơn 5 tấn đạn, chất nổ và khí tài quân sự của quân ngụy. Đêm hôm đó, tất cả các đội viên thanh niên tham gia tuần tra, bảo vệ an ninh khu phố và tài sản của nhân dân.
Đến sáng 1-5-1975, các đội tự vệ tiến hành bàn giao khu vực cho chính quyền địa phương và cơ động về trụ sở Thành đoàn tại số 4 Duy Tân (nay là số 4 Phạm Ngọc Thạch, quận 1-trụ sở Nhà Văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh). Nhìn gương mặt những thanh-thiếu niên, nhiều người dân không giấu nổi sự xúc động. Bởi hôm qua họ còn là những sinh viên, học sinh trung học còn rất trẻ, hôm nay họ đã là những người chiến sĩ cách mạng, cùng các lực lượng khác giành chính quyền, giải phóng Sài Gòn-Gia Định.
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân