Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu họp nội các nhận định tình hình: “Quân Bắc Việt giải phóng Đà Nẵng rồi, phải mất hai, ba tháng mới điều quân được vào Nam Bộ. Phải tranh thủ phòng thủ, ngăn chặn cho được cuộc tiến công đó. Bằng bất cứ giá nào cũng phải giữ từ Ninh Thuận trở vào. Nếu cần có thể đem hết lực lượng đánh xả láng ở đó” (Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng, số 76 (4/2000).
Xe tăng quân giải phóng đánh chiếm Tòa hành chính chính quyền tỉnh Ninh Thuận,
ngày 16-4-1975. Ảnh: Lê Văn đức
Nhưng sai lầm của Thiệu là biến một cuộc rút lui chiến thuật thành một cuộc tháo chạy tán loạn, sự thất bại ở Tây Nguyên và Đà Nẵng với kết cục là sự tan rã của một đạo quân có hơn 1 triệu người được trang bị vũ khí hiện đại. Kể từ đó tình trạng hoang mang, dao động, mất tin tưởng lan tràn trong sĩ quan, binh lính và lây lan nhanh như một cơn dịch. Khi Đà Lạt và Nha Trang chưa giải phóng thì từ ngày 1-4-1975, các toán tàn quân ở Đà Lạt tháo chạy theo đường 11 về Phan Rang, cùng với hàng vạn người chạy tị nạn trong cảnh hỗn loạn. Báo Trắng đen (Sài Gòn), ngày 3-4-1975 mô tả “Quân lực VNCH đã di tản khỏi thị xã Đà Lạt và tỉnh Tuyên Đức vào chiều hôm qua 1-4 mặc dù tình hình yên tĩnh bên trong thị xã Đà Lạt. 80% dân chúng Đà Lạt, Tuyên Đức đã vội vã chạy theo các đơn vị quân đội bằng đủ mọi thứ xe cộ và cả những đoàn người đi bộ hàng cây số về Phan Rang”.
Dư chấn này cũng lan rất nhanh đối với những người đang sống ở Phan Rang, thế là một nghịch cảnh đã diễn ra: binh lính và dân chúng lại ùn ùn bỏ chạy vào Sài Gòn trước khi tiếp cận với quân giải phóng, nói một cách nôm na là “chưa đánh đã tan”. Những người còn lại không chịu rời bỏ quê cha, đất tổ của mình đã phải sống trong một thành phố vô chủ, cướp bóc, giết chóc diễn ra khắp nơi, người dân phải lượm vũ khí tự trang bị để bảo vệ mình, sinh mạng con người bấy giờ quả thật rất mong manh, chưa bao giờ người dân lại mong quân giải phóng nhanh vào tiếp quản đến vậy. Phóng viên Báo Tiền tuyến (Sài Gòn), ngày 13-4-1975 đã ghi lại “Chúng tôi tiến ra chợ. Nơi đó, chúng tôi đã chứng kiến 6 căn tiệm bị bọn cướp hôi của và gây nhà vỡ tung, gạch ngói ngổn ngang”. Đó là tình hình trước khi tuyến phòng thủ mới được thiết lập tại Phan Rang.
Sau khi Cao Văn Viên, Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn kêu gào “tử thủ Phan Rang”, giao cho Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy lập phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn từ xa và giữ phần đất từ Phan Rang trở vào. Ngày 2 tháng 4, tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III-QLVNCH bay ra Phan Rang thị sát chiến trường, cho đến ngày 6 tháng 4, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (phó tư lệnh Quân đoàn III) và tướng Phạm Ngọc Sang (tư lệnh sư đoàn 6 không quân) được lệnh của chính quyền Sài Gòn đã đưa lữ đoàn lính nhảy dù số 2, liên đoàn quân biệt động số 31 và thu thập số tàn quân của các đơn vị đã bị đánh tan tác ở vùng quân khu 1, huy động lực lượng không quân và hải quân tổ chức tuyến phòng ngự đặt dưới sự chỉ huy của bộ chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 VNCH ở tỉnh Ninh Thuận và thị xã Phan Rang, hòng cố thủ và ngăn chặn bước tiến mạnh mẽ của quân giải phóng.
Có thể thấy đây là sự nỗ lực trong tuyệt vọng của quân đội Sài Gòn, bởi sự rệu rã về thể xác và tinh thần của binh lính là điều không thể che giấu, sự hoang mang, thiếu tin tưởng đối với các chiến lược của cấp trên đề ra, bởi họ không biết tập hợp lại để làm gì và chiến đấu cho ai? Trong khi đó quân giải phóng đang tiến công như vũ bão, với khí thế lớn mạnh hơn bao giờ hết. Báo Tiền tuyến-SG ngày 8-4-1975 cũng phải thừa nhận “Ba tiểu đoàn dù với quân số trong tình trạng chờ bổ sung sau ba tháng quần thảo, hứng pháo tàn khốc trên phòng tuyến Đông Nam Đà Nẵng, trải mỏng trên một tuyến dài 40 cây số, làm sao đủ sức chống chọi với cả một Sư đoàn tổng trừ bị Cộng sản Bắc Việt mới vừa xâm nhập và đang trong khí thế “thừa thắng xốc tới”… Tất cả nghi lễ dành cho một tướng lãnh Tư lệnh sư đoàn, được hủy bỏ vào giờ chót, mặc dù toàn bộ tiểu đoàn với chiến y rách nát, đôi chân lở loét, sưng húp, vũ khí bảo toàn nhưng hết đạn, đã được tập hợp chỉnh tề để nghênh đón vị tư lệnh tại tuyến đầu Phan Rang sáng chủ nhật 6-4-1975 Chuẩn tướng Lê Quang Lưỡng cùng toàn bộ tham mưu Bộ tư lệnh”.
Về phía quân ta, thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, sáng ngày 7 tháng 4 năm 1975 trước khi xuất phát Quân đoàn 2 nhận được điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút. Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”. Với tinh thần đó, cánh quân Duyên Hải gồm Quân đoàn 2 (trừ Sư đoàn 324 ở lại bảo vệ Huế, Đà Nẵng) và Sư đoàn 3 của Quân khu 5 cùng các đơn vị binh khí kỹ thuật, xuất phát từ Đà Nẵng bắt đầu cuộc hành quân thần tốc về phía Nam và từ ngày 14-4-1975 bắt đầu tiến đánh Phan Rang-tuyến phòng thủ từ xa của quân đội Sài Gòn.
Để ngăn chặn cuộc tiến công của ta, quân địch liên tục cho pháo mặt đất và pháo hạm bắn chặn từ Phước Nhơn đến Gò Đền, nơi trú đóng của sở chỉ huy quân giải phóng có lần suýt gặp nguy hiểm. Thiếu tướng Nguyễn Công Trang, nguyên Phó Chính ủy Binh đoàn Hương Giang nhớ lại: “Máy bay từ sân bay Thành Sơn thay nhau bắn phá ném bom, thả đèn dù chung quanh khu vực Phan Rang, ở những nơi mà địch dự kiến có thể có quân ta, bom nổ gần nơi sở chỉ huy nhẹ, làm đất khô ở các tràn ruộng hất lên tung toé. Nhờ tổ chức ngụy trang khéo léo và có công sự dã chiến bảo đảm, bộ đội lại giữ kỷ luật tốt, nên đã giữ được bí mật cho tới phút chót” (Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng, số 76 (4/2000).
Đến ngày 15-4, quân ta tấn công chiếm quận lỵ Du Long và các vị trí Bà Râu, Suối Vang, Suối Đá, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đồng thời bẻ gãy nhiều đợt phản công của đối phương. Đưa tin về sự tấn công dồn dập, giành thắng lợi liên tiếp của quân ta, cũng như những tổn thất của địch trong sự chống trả tuyệt vọng đã được các báo, đài trong và ngoài nước đưa tin dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhưng dù muốn củng cố tinh thần cho quân đội Sài Gòn, các báo miền Nam bấy giờ vẫn không thể che dấu sự thất bại đang đến gần và khó tránh khỏi của đội quân này trên trận địa Phan Rang. Báo Tiền tuyến-SG, ngày 17-4-1975 đưa tin “Tại Ninh Thuận vào buổi sáng 15/4 Cộng quân pháo kích không rõ loại đạn và số lượng vào tỉnh lỵ Phan Rang. Sau đó vào buổi chiều cùng ngày Cộng quân với các chiến xa và bộ binh đã mở đầu các cuộc tấn công vào tỉnh lỵ này. Tổn thất chưa rõ”.
Do nhận thấy không còn đủ sức chống đỡ những đợt tấn công của quân giải phóng, các chốt chặn từ xa của địch đã bị phá vỡ, một lần nữa địch phải rút quân khỏi Phan Rang theo cái gọi là “rút lui chiến thuật” nhưng thực chất đây là cuộc tháo chạy do bị thất bại thảm hại. Báo Trắng đen-SG số 2415, ngày 18-4-1975 cho biết “Theo tin đài quân đội, suốt từ sáng đến trưa ngày 15-4 lực lượng trú phòng thành phố Phan Rang đã phải chống trả hết sức khó khăn nhiều đợt tấn công của 3 sư đoàn Bắc Việt từ phía Bắc xuống. Sau khi thị sát mặt trận và họp các tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Nguyễn Văn Toàn, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn đã ra lệnh cho lực lượng trú phòng trong thị xã rút ra thành phố lập một kháng tuyến mới tại phía Nam thị xã này”.
Thừa thắng xốc tới, Bộ tư lệnh quân đoàn đã chỉ thị tổ chức một lực lượng mạnh thọc sâu dùng xe hơi kết hợp với xe tăng đánh trận dứt điểm để giải phóng Phan Rang theo phương án: “Đánh thẳng theo đường số 1 vào chiếm thị xã Phan Rang, rồi tỏa ra tiến sang phía đông chiếm cảng Tân Thành và Ninh Chử vít chặt đường biển theo đường 11 đánh ngược lên phía Tây Bắc đánh chiếm sân bay Thành Sơn, cắt đứt đường hàng không, phát triển tiếp xuống phía Nam thị xã Phan Rang khóa nốt đường bộ, phối hợp cùng các mũi tiến công của Sư đoàn 3 và các lực lượng địa phương nhanh chóng bao vây, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ đội quân đồn trú ở Ninh Thuận, giải phóng địa bàn” (Lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Công Trang -Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng, số 76 (4-2000).
Bước vào sáng 16-4, cục diện trận đánh diễn ra theo như kế hoạch đã định, bấy giờ tinh thần của quân địch rất hoang mang dao động, một phần trước các trận đánh dồn dập và thắng lợi liên tiếp của quân giải phóng, mặt khác từ thái độ cấp chỉ huy của họ: sĩ quan thì miệng kêu gọi lính tử chiến, nhưng lại thúc giục gia đình di tản từ trước; do vậy dù với một lực lượng khá mạnh gồm 1 sư đoàn lính dù, lính thủy đánh bộ và bộ binh, với xe tăng thiết giáp, không quân hùng hậu đã vỡ trận và thất bại thảm hại. Tờ tin tức “Giờ thứ 25” của Sài Gòn, ngày 17-4-1975 đã đưa tin về cuộc chạy trốn cuối cùng của các tướng lĩnh và sĩ quan quân đội Sài Gòn vào sáng ngày 16-4 tại sân bay Thành Sơn-con đường thoát nạn duy nhất của địch “Rất nhanh tướng Nhật phóng mình lên trực thăng trong lúc 2 tướng Nghi-Sang không thể nào chạy tới sân bay vì lưới lửa địch trút ồ ạt đủ loại. Khi trực thăng Hoàng Mật vụt bốc cao rồi, anh vẫn thấy trực thăng gắn sao do Trung tá B lái, còn kẹt dưới đất”. Như vậy, số phận 2 tướng Nghi-Sang đã được định đoạt.
Đến 9 giờ 30 phút ngày 16-4-1975 cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên nóc nhà Toà hành chính – cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn tại Ninh Thuận, đánh dấu tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Trận tiến công Phan Rang được tiến hành bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng, kết hợp giữa các binh đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang nhân dân địa phương đã thắng lợi giòn giã. Kết quả ta đã tiêu diệt Bộ tư lệnh tiền phương Quân khu 3, bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, cố vấn Mỹ Javel Lewis cùng nhiều sĩ quan khác của quân đội Sài Gòn, góp phần quan trọng đập tan âm mưu của địch nhằm ngăn chặn các lực lượng của ta từ xa để củng cố thế trận của chúng ở Sài Gòn-Gia Định.
Trong trận này, các lực lượng tham gia chiến đấu của quân ta đã thể hiện thành công cách đánh thần tốc, táo bạo bất ngờ, khiến địch hoàn toàn bị rối loạn không kịp ứng phó. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi khi bị ta bắt đã cho rằng sở dĩ Phan Rang bị thất thủ nhanh như vậy bởi 3 lẽ: “Một là, binh lính mất tinh thần không chịu chiến đấu. Hai là, họ thiếu tiếp liệu, vũ khí, đạn dược cần thiết. Ba là, thiếu thời gian” (Tự thuật của Thiếu tướng Nguyễn Phi Long, người hỏi cung Nguyễn Vĩnh Nghi - Tạp chí Sự kiện và Nhân chứng, số 136 (4/2005). Như vậy, phải chăng sự tiến công thần tốc, táo bạo của quân giải phóng là nhân tố quan trọng tạo nên những nguyên nhân trên khiến quân đội Sài Gòn phải chịu thất bại như nhận xét của tướng Nghi.
Thất thủ ở Phan Rang, tuyến phòng thủ từ xa bảo vệ Sài Gòn của địch đã bị đập tan, tạo thế quân ta thừa thắng xông tới phá tan các tuyến phòng thủ khác của địch, nhất là với chiến thắng Xuân Lộc (21-4) đã đẩy chính quyền Sài Gòn lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị và đó là dấu hiệu báo trước Sài Gòn sẽ thất thủ. Frank Snepp trong cuốn sách “Cuộc tháo chạy tán loạn” đã viết: “Không chỉ mất hai vị trí phòng thủ then chốt là Xuân Lộc và Phan Rang, Quân lực VNCH còn mất nốt những lực lượng trù bị chiến lược cuối cùng. Điều đó nói lên thế và lực của quân đội này đã hoàn toàn suy sụp và khả năng Sài Gòn bị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm chỉ còn là vấn đề của thời gian có thể tính từng ngày.” (sđd. trang 102. Dịch giả: Ngô Dư. NXB Tp. Hồ Chí Minh).
Một số tác giả trong và ngoài nước cũng nhận định về tình trạng của chính quyền Sài Gòn và cả số phận của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi các tuyến phòng thủ chủ chốt nhằm bảo vệ Sài Gòn từ xa ở Phan Rang và Xuân Lộc đã bị thất thủ. Alan Dawson kể lại trong tập sách 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ “Sau cuộc thất trận ở Phan Rang và tiếp đến là Xuân Lộc đã gây ra một cơn địa chấn chính trị tại Sài Gòn. Sáng 18 tháng 4, tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã tiếp một số nhân vật ôn hòa. Họ đều nói cho Nguyễn Văn Thiệu biết rằng thời của ông ta đã hết và họ mong muốn một sự rút lui êm ả. Trong khi đó, tại thượng viện và hạ viện, những người đối lập không giấu giếm ý muốn lấy thủ cấp chính trị của Nguyễn Văn Thiệu. Kể cả phe cực hữu cũng muốn Nguyễn Văn Thiệu phải ra đi. Theo họ, ông ta phải chịu trách nhiệm vì những thất bại quân sự quá chóng vánh vừa qua.” (sđd. Tr. 66. Dịch giả.Cao Minh. NXB Sự Thật. Hà Nội. 1990).
Tác giả Dương Hảo trong tập sách Một chương bi thảm đã viết: “Tất cả các áp lực trên cùng với sự thua trận về quân sự đã dẫn đến kết quả là 19 giờ tối 21 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức sau 10 năm ngồi ghế tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Ngay sau đó, Thượng nghị viện đã chỉ định ông Trần Văn Hương giữ chúc vụ này với một nhiệm vụ duy nhất: bằng mọi cách, phải mở được một cuộc đàm phán với đối phương. Nhiều người trách cứ Thiệu là đã ra đi quá muộn, để tình hình quá nát đến mức không còn có thể cứu vớt được gì. Tuy nhiên, đó không chỉ là lỗi của riêng ông ta. Người muốn giữ Nguyễn Văn Thiệu thêm một thời gian nữa không phải ai khác mà chính là đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin”. (sđd. trang 241-242 NXB Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1980)
Như vậy, qua phản ảnh của một số báo chí và các tác giả trong và ngoài nước đã cho ta thấy một bức tranh toàn cảnh rất sinh động về cách đánh táo bạo, thần tốc của quân giải phóng cũng như sự thất bại thảm hại của quân địch ở tuyến phòng thủ Phan Rang. Với chiến thắng quan trọng này đã tạo thế mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc. Thắng lợi này như một điểm son chói lọi mãi mãi được ghi dấu trong bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam.
Mai Ty
Tổng Biên tập Báo Ninh Thuận