Nhờ dì mà tôi luôn có quà, khi thì vài nắm kẹo dừa, cái chong chóng, que kem, lúc là chiếc kẹp tóc, hộp đựng bút... Những chú ấy thường bảo tôi: “Trông bé giống dì Út quá”. Mà chắc là giống thật. Dì vẫn thường nói vậy mỗi khi ngồi tết tóc cho tôi. Vậy mà, hình như dì chẳng tha thiết với ai. Người lớn trong nhà ai cũng sốt ruột chuyện tình duyên của dì, nhưng dì cứ bình thản.
Các ứng cử viên theo đuổi dì được cả nhà đưa ra bình xét, chọn lựa. Đứng giữa những cuộc tranh luận của gia đình, dì chỉ cười hờ hững như đang nghe chuyện của một người nào đó. Sau khi dì để chú “ứng viên sáng giá” vừa đẹp người lại tốt tính bỏ đi, từ đó, cả nhà không ai còn bàn chuyện yêu đương của dì nữa… Tôi chợt thấy thương dáng dì cô đơn quanh năm ngồi may vá trong cửa tiệm nhỏ chật chội, toàn kim chỉ, vải vóc. Dì cứ thinh lặng như thế… Ai cũng nghĩ chắc dì sống cả đời chăn đơn, gối chiếc. Ấy thế mà năm bốn mươi tuổi, dì bẽn lẽn xin phép ngoại cho về nhà chồng sống. Mà lấy ai không lấy, lại “nhập khẩu” với nhà kế bên. Sau này, tôi mới biết, dì yêu đơn phương chú từ hồi mới mười tám tuổi, nhưng là thân con gái, đâu dám ngỏ lời. Khổ nỗi đàn ông “tận đẩu, tận đâu” đến tán tỉnh dì, mà chú ngay cạnh nhà lại chẳng thèm ngó nghiêng dù chỉ một lần. Chú đi bộ đội mấy năm, xuất ngũ rồi đi làm ăn xa, bao năm dì vẫn lặng lẽ đợi chờ. Không ngờ chú về thật. Chú về quê mở ngay tiệm kinh doanh và sửa chữa điện tử ngay đầu phố, cạnh tiệm may của dì. Thế là bén duyên nhau. Ở tuổi 40, dì và chú đón đứa con đầu lòng trong niềm vui mừng khôn xiết. Ngày ngày, dì lo cơm nước cho chồng con, lại tất bật với công việc may vá càng lúc càng đông khách. Ai đến may cũng nấn ná lại vài phút, hỏi thăm chuyện của dì. Dì chỉ cười bảo đó là duyên muộn. Dì cảm thấy đủ đầy, bằng lòng với hạnh phúc giản dị hiện tại. Với tôi, dì là người phụ nữ giàu tình thương yêu, dịu dàng và can đảm vô hạn.
Anh Trang