Tuy là xã ven biển nhưng nông nghiệp mới là thế mạnh kinh tế của Nhơn Hải với diện tích đất sản xuất 1.200 ha. Ngoài sản xuất các loại cây trồng chủ lực như hành, tỏi, ớt, nho, táo hằng năm khoảng 400 ha, diện tích còn lại chủ yếu phục vụ trồng cỏ, chăn nuôi. Xuất phát từ tình hình thực tế, Ban Phát triển xã đã xác lập 7 chuỗi giá trị sản xuất với 38 nhóm đồng sở thích gắn với các cây, con chủ lực là hành, tỏi, táo, nho, bò, dê, cừu. Riêng lĩnh vực sản xuất có 11 nhóm đồng sở thích cây hành, 3 nhóm tỏi, 3 nhóm nho và 3 nhóm táo; mỗi nhóm từ 10-20 thành viên, ưu tiên cho các hộ nghèo và cận nghèo tiếp cận với kỹ thuật, vốn hỗ trợ đầu tư cho phát triển kinh tế.
Nông dân xã Nhơn Hải áp dụng quy trình VietGAP trên cây tỏi.
Ông Trần Đồng Quí, Thường trực Ban Phát triển xã cho biết: Là vùng không chủ động được nguồn nước nên chủ trương phát triển nông nghiệp của địa phương là tập trung nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Chính vì vậy, được sự, hỗ trợ của Dự án Tam nông, xã đã triển khai các mô hình trồng nho, táo, hành, tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP cho các hộ tham gia nhóm đồng sở thích và bước đầu mở rộng ra các hộ sản xuất trong toàn xã. Trong quá trình sản xuất, nông dân được tham gia các buổi quảng bá sản phẩm nho an toàn và giới thiệu thị trường tiêu thụ. Nhằm giúp nông dân tìm kiếm "đầu ra" ổn định, Ban Phát triển xã đã liên kết với Trang trại hành, tỏi Quang Ninh đóng chân trên địa bàn hợp đồng thu mua nông sản “sạch” cho nông dân. Nông dân Trương Khắc Thiện, Trưởng nhóm đồng sở thích trồng nho thôn Mỹ Tường 1 cho hay: Thông qua chương trình Tam nông, Trang trại hành, tỏi Quang Ninh đã liên kết với 35 nông hộ chúng tôi cam kết bao tiêu sản phẩm tỏi, hành tím, nho, táo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài hợp đồng bao tiêu nông sản cho các hộ trong nhóm liên kết ngang bằng hoặc cao hơn giá thị trường thì Trang trại hành, tỏi Quang Ninh đã hỗ trợ một phần kinh phí cho một số hộ không có điều kiện lắp đặt hệ thống ống dẫn nước, hệ thống tưới tiết kiệm nước để ổn định sản xuất, bước đầu tạo sự phấn khởi cho nông dân chúng tôi.
Ngoài ra, để nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, trong thời gian hơn 2 năm triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, Ban Phát triển xã đã phối hợp với Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) mở 14 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, 3 lớp tập huấn hướng dẫn phương thức liên kết kinh doanh và đưa chương trình “Con đường tri thức” về xã tham quan, học tập kinh nghiệm.
Theo kế hoạch triển khai dự án năm 2015, Nhơn Hải tiếp tục nhân rộng diện tích cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, dần hình thành vùng nông sản “sạch” với mục tiêu là hàng năm có khoảng 200 ha hành, tỏi và 25 ha nho, táo sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng chí Phạm Khắc Hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải kiêm Trưởng ban Phát triển xã nhìn nhận: Hoạt động liên kết nhóm sản xuất với doanh nghiệp, cụ thể là giữa các hộ dân thuộc nhóm đồng sở thích và Trang trại hành, tỏi Quang Ninh được xem là mô hình thí điểm mà địa phương đang hướng cho nông dân, đẩy mạnh hình thức tổ chức sản xuất theo liên kết “4 nhà”, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị nông sản hàng hóa và tăng giá trị kinh tế cho nông dân. Đồng thời, cũng là bước đầu hiện thực hóa mục tiêu tạo liên kết trong sản xuất, kết nối thị trường và kinh doanh bền vững mà chương trình “Con đường tri thức” do Ban điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tổ chức.
Diễm My