Dù nằm trong vùng bán khô hạn, nhưng nhờ nguồn nước kênh Nam nên sản xuất nông nghiệp ở Phước Thái thường đạt năng suất, sản lượng cao. Hệ thống thủy lợi ở đây ngoài kênh Nam còn có hồ chứa nước Tà Ranh, kênh Chàm, 2 trạm bơm và hệ thống kênh cấp II, cấp III nội đồng giúp chủ động tưới cho đồng ruộng.
Bê-tông hóa kênh nội đồng ở thôn Hoài Ni.
Bên cạnh đó, người dân trong xã còn chú trọng đầu tư chăn nuôi với quy mô tổng đàn khoảng 5.000 con gia súc, trong đó chiếm nửa là gia súc có sừng như bò, dê, cừu. Theo Ban Phát triển xã Phước Thái, trong 6 chuỗi giá trị được Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh phân tích, đánh giá và nâng cấp, qua hướng dẫn của Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện, người dân tại 8 thôn đã chọn chuỗi giá trị bò, dê, cừu, táo và xác định đó là thế mạnh để giúp các hộ nghèo trong xã vươn lên. Dựa trên chuỗi giá trị đó, xã đã thành lập 4 nhóm đồng sở thích, trong đó có 2 nhóm chăn nuôi bò tại thôn Tà Dương thành lập năm 2013 (mỗi nhóm có 30 thành viên là người dân tộc Raglai thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, trong đó thành viên nữ chiếm khoảng 60%), 1 nhóm chăn nuôi dê (10 thành viên) tại thôn Thái Hòa và 1 nhóm chăn nuôi cừu (18 thành viên) tại thôn Thái Giao thành lập năm 2014.
Anh Lưu Văn An, cán bộ nông nghiệp xã, Thường trực Ban Phát triển xã cho biết: Địa phương lựa chọn chăn nuôi bò, dê, cừu là chuỗi giá trị chính trong dự án vì địa bàn có đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các hộ nghèo và cận nghèo thôn Tà Dương đều nuôi bò; các thôn Thái Hòa và Thái Giao thì nuôi dê, cừu, rất thích hợp cho thực hiện dự án. Trong chuỗi giá trị này, có thể thấy thuận lợi trước hết là giá cả bò, dê, cừu thịt đều khá ổn định so với các vật nuôi khác. Thông qua nhóm đồng sở thích, người dân biết liên kết trong sản xuất để tạo giá trị kinh tế bền vững. Để nâng cao năng lực tổ nhóm, cũng như trình độ kỹ thuật của nông dân nói chung trong sản xuất, chăn nuôi, Ban Phát triển xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo, bò, cừu tại các thôn Tà Dương, Hoài Trung, Như Bình, Như Ngọc và Hoài Ni. Đặc biệt là đã mở 2 lớp xóa mù chữ cho 40 phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo của 2 thôn Tà Dương và Hoài Ni…
Thực hiện hợp phần 3 về đầu tư kết cấu hạ tầng chung từ nguồn vốn hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, Phước Thái đã thi công 2 cầu phục vụ sản xuất vùng nội đồng Như Bình-Như Ngọc và 3 công trình sân phơi ở các thôn: Tà Dương, Thái Giao và Như Ngọc. Ngoài ra, còn hỗ trợ các nhóm đồng sở thích xây dựng 10 chuồng bò, 6 chuồng dê và 12 chuồng cừu. Sau khi xúc tiến thăm dò ý kiến, rà soát nhu cầu của các thôn để lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 theo hướng dẫn của DASU huyện và Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh, hiện nay Ban Phát triển xã Phước Thái đang triển khai đúng lộ trình hàng quý theo dự kiến. Đặc biệt chú trọng đưa hoạt động tổ, nhóm và xây dựng hạ tầng phù hợp thực tế địa phương, gắn chặt với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Với dân số 2.377 hộ (11.844 người), xã Phước Thái được chọn là một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Cho nên với việc hưởng lợi từ Dự án, Phước Thái sẽ có điều kiện khắc phục khó khăn, định hướng cho các hộ dân cách thức thoát nghèo bền vững. Hy vọng với kết cấu hạ tầng xây dựng đồng bộ trong tương lai từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhất là hạ tầng giao thông và thủy lợi, sẽ tạo tiền đề cho Phước Thái phát triển bền vững.
Bạch Thương