Đối thoại trực tuyến “Kỳ thi quốc gia 2015, những điều cần biết”. Ảnh: VA
Giải đáp câu hỏi về sự sắp xếp và công bằng giữa các cụm thi trên cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Bộ GD&ĐT đã tính toán và lấy ý kiến rộng rãi trước khi ra phương án cụm thi. Bộ đã phân tích đề thi, kết quả thi, phổ điểm của các năm trước, cho thấy phổ điểm của học sinh phân bố hợp lý. Trước đây có hiện tượng "tháo khoán", nhưng giờ đã khác, thi sẽ phải nghiêm túc hơn. Vì vậy thi cụm địa phương chắc chắn cũng sẽ nghiêm túc. Nhưng để dư luận xã hội yên tâm hơn vì vậy, chúng tôi quyết định, kể cả cụm thi địa phương thì vẫn do trường đại học chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT để tổ chức. Công tác thanh tra giữa 2 loại cụm thi (cụm thi liên tỉnh và cụm thi địa phương) là giống nhau.
Thứ trưởng cho hay, năm nay nhiều cụm thi hơn, vì thế thí sinh đi lại thuận tiện hơn. Cũng có thể là thí sinh đi về Hà Nội tiện hơn là đi tỉnh khác. Nhưng phương án nào cũng sẽ có những khó khăn nhất định, phải chấp nhận.
Trả lời thắc mắc về kỳ thi tốt nghiệp đang đến gần, giáo viên đang lúng túng ôn luyện cho học sinh, vậy Bộ GD&ĐT có định hướng khi không công bố cấu trúc đề thi? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, việc hướng dẫn ôn tập Bộ đã ban hành. “Năm nào chúng ta cũng làm như thế, mức độ và yêu cầu của đề thi cơ bản như năm trước, cách thức phân bố nội dung cao thấp như thế nào tương tự như năm ngoái. Do vậy, các thầy cô và học sinh không nên lo lắng quá, tự tin mới thắng lợi được. Mặc dù, Bộ không công bố cấu trúc đề thi, giáo viên đã được hướng dẫn xây dựng ma trận đề thi, Bộ sẽ có minh họa đề thi, nói chung vẫn giống những năm trước” – Thứ trưởng chia sẻ.
Trước vấn đề cuốn sách “Hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp năm 2015” do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản nhưng có sự tham gia của các cán bộ của Bộ GD&ĐT, khiến dư luận hiểu là sách của Bộ? Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã có công văn chấn chỉnh tình trạng này, trong đó Bộ nói rõ cán bộ của Bộ tham gia là với tư cách cá nhân như các tác giả khác, không liên quan đến việc chỉ đạo chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ. Do vậy, bộ sách chỉ như các loại sách tham khảo khác có trên thị trường, không phải là sách do Bộ GD&ĐT biên soạn. Nội dung bộ sách nói trên không phù hợp với yêu cầu đề thi trong kì thi THPT quốc gia do Bộ tổ chức. Tuy vậy, Bộ GD&ĐT sẽ rút kinh nghiệm với các cán bộ ghi tên, tham gia trong xuất bản cuốn sách đó. Bộ sẽ xử lý nghiêm để răn đe các trường hợp tương tự. Bộ cũng đã yêu cầu các trường không được ép học sinh mua bất cứ tài liệu ôn tập nào.
Một vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm đó là việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng như thế nào? Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, cho biết tổng cộng mỗi thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT có 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Nguyện vọng 1 được đăng ký 4 ngành của 1 trường, trong thời gian xét tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký trường khác. Nếu trúng ngay nguyện vọng 1 thì không được đăng ký nguyện vọng bổ sung. Đối với nguyện vọng bổ sung, được dùng tối đa cả 3 giấy để đăng ký 3 trường, mỗi trường 4 ngành. Nhưng không được rút hồ sơ. Thí sinh phải cân nhắc kỹ trường để nộp hồ sơ xét tuyển, căn cứ vào điểm thi và thông tin xét tuyển của trường (công bố 3 ngày/lần).
Trường hợp thí sinh bị kỷ luật có được sử dụng kết quả để xét tuyển đại học không? Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định nếu bị đình chỉ sẽ dừng hết. Nếu chỉ bị trừ điểm thì các em vẫn được xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. Đối với trường hợp thi thiếu một trong những môn thi tốt nghiệp nếu ốm đau, tai nạn sẽ được đặc cách tốt nghiệp nếu điểm học các môn từ 5 điểm trở lên.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam