Hội thảo khoa học: Đập tan "Lá chắn thép" Phan Rang - Ý nghĩa và bài học lịch sử

Binh chủng tuyên truyền trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh Ninh Thuận tháng 4-1975

(NTO) Cuộc tháo chạy tán loạn vì những thất bại của địch ở Tây Nguyên và Huế, Đà Nẵng, tình hình chung trên chiến trường miền Nam có những chuyển biến lớn chưa từng có, báo hiệu một trận cuồng phong sắp nổ ra trên phạm vi toàn miền, để tiến đến một trận quyết chiến sinh tử với kẻ thù, nhằm hướng đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Những ngày đầu tháng 4-1975, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã chỉ đạo cho các địa phương, đơn vị khẩn trương tận dụng thời cơ, đẩy mạnh hoạt động để giải phóng quê hương, không được trông chờ, ỷ lại vào quân chủ lực. Trên tất cả các hướng, Ban chỉ huy tiền phương đã huy động toàn lực lượng, kể cả các binh chủng tuyên truyền (văn hóa thông tin, phóng viên, nhiếp ảnh, cán bộ tuyên giáo…) tiến ra phía trước, phối hợp với quân chủ lực làm cuộc tổng công kích, tạo ra những trận đánh quyết định để tiêu diệt địch.

Cán bộ trong các binh chủng tuyên truyền hân hoan, phấn khởi viết những bài ca ngợi chiến thắng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong toàn lực lượng quân, dân nắm và hiểu rõ chủ trương của Đảng và các mặt chuẩn bị cho công tác giải phóng miền Nam và tỉnh nhà như: chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị hậu cần, lực lượng dân công hỏa tuyến… khi chiến sự bùng nổ, qua đó động viên, thôi thúc các lực lượng hăng hái lên đường làm nhiệm vụ với khí thế tràn đầy niềm tin chiến thắng. Các khẩu hiệu, băng-rôn tuyên truyền được cán bộ hướng dẫn nhân dân treo khắp đường phố để đón mừng quân giải phóng, kêu gọi nhân viên, binh lính Ngụy về phía cách mạng. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hầu hết dân vệ, phòng vệ dân sự và bộ máy Ngụy quyền thôn, xã nghe theo tiếng gọi của cách mạng đều bỏ nhiệm sở, giải tán tổ chức, giao vũ khí, tài liệu cho cách mạng. Nhiều binh lính địch được ta giác ngộ, đã tự nguyện tham gia lực lượng cách mạng, cầm súng chống trả lại các đợt phản kích, bảo vệ nhân dân và chính quyền cách mạng lâm thời.

 
Xe tăng quân giải phóng truy kích quân địch tại cửa ngõ vào Sân bay Thành Sơn. 
Ảnh: Thọ Đôn

Nghe theo lời kêu gọi của Đảng, phấn khởi trước những tin thắng lợi dồn dập của quân ta; cán bộ, chiến sỹ, quân dân Ninh Thuận ở các vùng giải phóng dốc hết lực lượng, tiến ra phía trước phục vụ kháng chiến như: đi dân công tải đạn, tải lương thực, phục vụ nuôi quân… Trong vùng địch tạm chiếm, các cơ sở cách mạng tích cực tuyên truyền tin thắng lợi của quân ta, vận động binh lính địch đào, rã ngũ, đứng về phía cách mạng, đại bộ phận nhân dân đã tự may cờ Mặt trận giải phóng miền Nam và cờ Tổ quốc với tinh thần náo nức, phấn khởi chuẩn bị đón quân ta vào giải phóng quê hương.

Cùng với sự tiến công của quân chủ lực, được sự hướng dẫn của cơ sở, của cán bộ tuyên truyền, quần chúng nhân dân ở thị xã cũng phối hợp đánh địch; nhiều gia đình ủng hộ lương thực, bánh kẹo và cầm súng cùng chiến đấu với bộ đội; đồng bào còn giúp bộ đội truy tìm tàn quân địch, lo cơm nước, quà bánh phục vụ các chiến sỹ giải phóng quân.

Ngày 16-4-1975, tỉnh Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng, nhân dân các nơi đã đổ ra đường chào mừng bộ đội, chào mừng chiến thắng; trên khắp phố phường của thị xã Phan Rang-Tháp Chàm rực rỡ màu cờ Mặt trận và cờ Tổ quốc. Lời ca, tiếng hát rộn ràng vang lên khắp nơi, hòa cùng những tin tức thắng trận từ các nơi liên tiếp báo về, càng thôi thúc, động viên ý chí và sức mạnh đoàn kết của toàn dân hướng đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các binh chủng tuyên truyền hồ hởi, phấn khởi ghi lại sự kiện lịch sử oai hùng cùng những dấu ấn không thể quên trong chiến thắng vẻ vang của tỉnh nhà.

Với sự giúp đỡ của nhân dân, các cơ sở kinh tế, quân sự của địch trên địa bàn tỉnh được bảo vệ hầu như nguyên vẹn. Nhân dân còn tích cực giúp đỡ, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho bộ đội, tổ chức thu gom vũ khí, phương tiện địch bỏ lại và vận động binh lính, công chức chế độ cũ ra trình diện. Đây là những công việc rất lớn và cấp bách, trong lúc số lượng cán bộ còn rất mỏng, nếu không có sự động viên kịp thời, không có sự chung sức, chung lòng của nhân dân thì hoạt động của chính quyền cách mạng sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc tỉnh huy động kịp thời mọi phương tiện vận tải và thợ cơ khí sửa xe, sửa máy bay phục vụ cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn của quân chủ lực, đã có sự góp phần không nhỏ của quân, dân Ninh Thuận, trong đó có lực lượng làm công tác tuyên truyền.

Qua tờ báo, tờ tin và đề cương tuyên truyền, qua hội họp tuyên truyền miệng trực tiếp ở từng thôn xóm, cụm dân cư, thanh niên và các tầng lớp nhân dân đã nhận thức được cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, ý chí quật cường của toàn dân. Từ cuộc cổ vũ động viên, toàn tỉnh đã có hàng trăm thanh niên lên đường gia nhập quân giải phóng. Những người chưa tham gia đều háo hức muốn góp sức mình cho đất nước. Qua động viên, hàng ngàn người đã xung phong đi dân công phục vụ hỏa tuyến, góp phần vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ đội quân chủ lực đang hành quân thần tốc xuống phía Nam.

Những kết quả tiếp quân, tiếp sức của quân, dân Ninh Thuận vào chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vận chuyển khẩn cấp, phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đó là trách nhiệm, đồng thời cũng là niềm tự hào của quân, dân Ninh Thuận, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của binh chủng tuyên truyền đã góp phần làm nên một mùa xuân đại thắng.