Theo báo cáo mới đây của ngành chức năng, ngoài số diện tích sản xuất vụ Đông-Xuân hưởng lợi từ công trình thủy lợi Nha Trinh-Lâm Cấm (nguồn nước xả của Thủy điện Đa Nhim) có phần ổn định thì còn lại 20 hồ chứa trong tỉnh đã ngày càng khô kiệt do lượng nước bốc hơi nhiều bởi ảnh hưởng của nắng và gió, dung tích chứa chỉ còn không quá 15,8%, tương đương khoảng trên 30,3 triệu m3. Trong số này, nhiều hồ đã xuống đến mực nước chết và chỉ còn tác dụng “trữ” nước uống cho đàn gia súc. Theo như dự báo, nếu trong thời gian tới không mưa thì tình trạng khô hạn sẽ khốc liệt hơn và tiếp tục gây nên những tác hại không nhỏ. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra, nhiều địa phương đã triển khai có hiệu quả Kế hoạch chống hạn của UBND tỉnh như điều chỉnh lại diện tích sản xuất phù hợp, đẩy mạnh tuyên truyền ,khuyến cáo người dân sản xuất hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đồng đất, chuyển đổi cây trồng truyền thống sang cây trồng ít sử dụng nước... vừa để tiết kiệm nguồn nước, đồng thời có thu nhập trong mùa hạn, tuy không cao nhưng giảm được “xáo trộn” trong cuộc sống.
Nông dân thôn Hòa Thạnh (An Hải, Ninh Phước) lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước trồng cỏ chăn nuôi gia súc trong mùa khô hạn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Nhiều địa phương còn triển khai đào ao trữ nước cho gia súc, cấp nước sinh hoạt ở những vùng thiếu nước để bảo đảm cho đời sống người dân như Phước Trung (Bác Ái), một số thôn của xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn)... Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số địa phương chưa thực sự chủ động trong chống hạn như tổ chức nạo vét kênh mương, chuyển đổi cây trồng, phổ biến các mô hình tưới tiết kiệm, kể cả việc chỉ đạo về y tế phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra...
Để dồn sức chống hạn có hiệu quả, vừa qua Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 66-CT/TU “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh”. Trước đó Tỉnh ủy cũng đã có các Thông báo kết luận số 491-TB/TU ngày 21-1-2015 và số 500-TB/TU ngày 27-2-2015 về công tác phòng, chống hạn. Theo đó, đã chỉ đạo rốt ráo các ngành, địa phương liên quan phát huy nguồn lực tại chỗ; đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để phòng, chống hạn. Đặc biệt, là nâng cao nhận thức của lãnh đạo các ngành, địa phương và người dân trong công tác này với yêu cầu là chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn gây ra trên tất cả các phương diện. Mặt khác, theo khuyến cáo của ngành chức năng để hạn chế thiệt hại trong sản xuất cần tăng cường theo dõi, kiểm soát nguồn nước tại các hồ chứa để bố trí lại cơ cấu cây trồng hợp lý, tổ chức lại các đội thủy nông nội đồng nhằm thực hiện tưới tiết kiệm cho cây lúa, hoa màu bằng hình thức tưới luân phiên, tưới nhỏ giọt, phun sương... Qua tính toán nếu áp dụng tốt sẽ giảm từ 20-40% lượng nước. Ngoài ra, nông dân cần giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... bằng áp dụng mô hình tiên tiến như “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,... để tiết kiệm chi phí đầu vào. Kiên quyết chỉ đạo dừng sản xuất nếu thiếu nước để tránh thiệt hại cho người sản xuất. Đối với đàn gia súc cần tổ chức di chuyển đàn đến các nơi có nước cộng với chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh xảy ra…
Với mục tiêu “4 không”: Không để dân đói, không để dân khát, không để gia súc chết, không để phát sinh dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị của Tỉnh ủy, vấn đề đặt ra là các ngành, địa phương cần theo sát các diễn biến từ cơ sở… để chỉ đạo và có những khuyến cáo cụ thể để người dân vùng hạn chủ động trong phòng, chống đạt hiệu quả. Đồng thời, tổng hợp kịp thời, chính xác những thiệt hại để có chính sách hỗ trợ cho người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống cũng như sản xuất.
Hạ Huyền