Tuy vậy, việc sản xuất và thâm canh cây táo đang gặp không ít khó khăn như năng suất bấp bênh, thị trường và giá cả thiếu ổn định. Việc áp dụng các biện pháp chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây táo; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa an toàn. Hạn chế nữa là, chưa xây dựng vùng chuyên canh táo tập trung theo hướng an toàn và chưa thành lập các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện (Nhóm đồng sở thích), liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nông dân Ninh Phước tham gia mô hình “Sản xuất táo an toàn có gắn kết
với thị trường”.
Để sản xuất táo bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, năm 2013, được sự đầu tư kinh phí từ Dự án Hỗ trợ Tam nông, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Phát triển xã Phước Vinh, An Hải (Ninh Phước), Mỹ Sơn (Ninh sơn) Nhơn Hải (Ninh Hải) thành lập 12 nhóm đồng sở thích trồng táo, với 201 người tham gia… Sau khi thành lập, các thành viên trong nhóm được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng táo an toàn. Đồng chí Nguyễn Thành Khải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết: Nhờ được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng táo nên hộ trồng đã biết phương pháp quản lý cần thiết trong từng giai đoạn; sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, theo nguyên tắc 4 đúng.
Cùng nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Tam nông, Chi cục BVTV đã chọn 11 hộ ở các nhóm đồng sở thích thực hiện Mô hình “Sản xuất táo an toàn có gắn kết với thị trường” trên diện tích 2 ha. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% vật tư gồm: phân bón, thuốc BVTV và bẫy bả sinh học chống ruồi đục quả. Quá trình thực hiện, nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật nên kết quả đạt cao, năng suất đạt 28,8 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1,4%, thu nhập bình quân đạt 98,8 triệu đồng/ha/vụ (3 tháng thu hoạch), cao hơn ruộng đối chứng 16 triệu đồng. Đặc biệt, Chi cục BVTV đã giới thiệu 1 doanh nghiệp và 6 chủ vựa trái cây ký kết hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm táo của các hộ thực hiện mô hình.
Theo đánh giá của Chi cục BVTV, trong quá trình thực hiện có một số thuận lợi nhất định, đó là: Được sự quan tâm, thống nhất chỉ đạo của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông, ngành chức năng. Hoạt động thu mua sản phẩm táo mô hình đúng theo hợp đồng cam kết, tạo sự phấn khởi cho nông dân an tâm tiếp tục thực hiện trong những vụ tiếp theo. Thông qua mô hình, tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm sản xuất, nhất là được chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật canh tác cây táo theo phương pháp quản lý tổng hợp cây trồng, từng bước thay đổi dần cách canh tác cũ, tạo ra nông sản an toàn, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng.
Từ việc thực hiện thí điểm có hiệu quả, mô hình đang tiếp tục được duy trì và mở rộng. Theo kế hoạch, thực hiện Hợp phần II, trong năm 2015, Chi cục BVTV nhân rộng Mô hình “Sản xuất táo an toàn có gắn kết thị trường” thêm 37 ha. Dự kiến có khoảng 150-200 hộ được hưởng lợi; trong đó, số hộ nghèo, cận nghèo từ 90 đến 100 hộ. Hiện tại, Chi cục BVTV đang phối hợp với Ban Phát triển các xã tiến hành điều tra, khảo sát địa điểm và chọn nông dân thực hiện mô hình.
Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: Để phát triển sản xuất táo an toàn gắn kết thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững, hướng tới mục tiêu của Dự án là phát triển chuỗi giá trị vì người nghèo; thời gian tới, cần sớm có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ tham gia nhóm để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Đầu tư nghiên cứu, ban hành quy trình chuẩn về sản xuất táo an toàn phù hợp với điều kiện từng địa phương; mở rộng liên kết với các doanh nghiệp lớn ở thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để sản phẩm táo an toàn có “đầu ra” ổn định.
Anh Tùng