Tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân

(NTO) Trước tình hình thời tiết nắng hạn kéo dài, để sản xuất đạt kết quả, từ đầu vụ đông-xuân đến nay, ngành Nông nghiệp-PTNN và các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân chăm sóc cây trồng đảm bảo sinh trưởng tốt.

Điểm khác của sản xuất vụ đông-xuân năm nay, so với cùng vụ năm trước, diện tích lúa thu hẹp còn 13.106 ha, giảm hơn 3.000 ha; trong khi đó, diện tích cây màu tăng lên, đạt 4.075 ha. Đối với cây lúa, hiện có 196 ha trà sớm đã thu hoạch xong, năng suất trung bình 55 tạ/ha. Trà lúa chính vụ 3.361 ha đang trong giai đoạn làm đòng trổ và 9.361 ha trà muộn ở thời kỳ đẻ nhánh. Riêng cây bắp, rau đậu các loại đang ở giai đoạn phát triển thân lá.

Anh Trần Ngọc Tưởng (thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong) sử dụng hệ thống
tưới nước tiết kiệm trên cây đậu phộng vụ đông- xuân.

Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết: Thời điểm hiện nay, cây trồng đang tích tụ dinh dưỡng để trổ bông, kết hạt, cần được chăm sóc kỹ, đúng quy trình kỹ thuật. Trong điều kiện khô hạn, phải cấp nước thường xuyên cho cây trồng, nhưng phải hết sức tiết kiệm, để đảm bảo đủ nước cho suốt vụ. Trước thời tiết khắc nghiệt, vụ này, các huyện nhân rộng mô hình theo nước, tưới nước tiết kiệm, có hiệu quả. Tiêu biểu như huyện Thuận Bắc, đã triển khai Chương trình Quản lý tưới có sự tham gia của người sử dụng (PIM) đến từng xã. Qua đó, các công tình thủy lợi được quản lý có hệ thống hơn. Anh Vũ Quang Trung, cán bộ kỹ thuật Trạm Thủy nông Thuận Bắc cho biết: Điểm nổi bật của Chương trình PIM là người dùng nước đóng vai trò quan trọng trong vận hành, điều tiết nước không để lãng phí.

Cùng với đó, các huyện, thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ trồng cây màu nhân rộng mô hình tưới nước nhỏ giọt, tưới nước phun mưa đã triển khai thí điểm tại Vùng rau an toàn ở xã An Hải (Ninh Phước) vào năm 2011. Nhờ vậy, trong vụ đông-xuân này, có hàng trăm hộ ngoài vùng dự án đã áp dụng công nghệ tưới mới. Anh Trần Ngọc Tưởng (thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc) cho biết: Đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun mưa chỉ khoảng 4 triệu đồng/sào, nhưng tiết kiệm được khoảng 70% lượng nước so với tưới truyền thống. Trước đây, mỗi lần theo nước cho 2 sào đậu phộng mất một ngày, nhưng từ khi áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa, chỉ cần 1 giờ là đủ.

Bên cạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo đủ nước sản xuất, ngành chức năng và các địa phương cũng đang tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch hại, nhất là công tác điều tra, dự báo. Chi cục BVTV đã chỉ đạo các Trạm BVTV củng cố, hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình dịch bệnh trên các loại cây trồng một cách chính xác, kịp thời. Riêng Chi cục, từ giữa tháng 2 đến nay, tối nào cũng đốt 9 bẫy đèn để điều tra diễn biến sinh vật gây hại trên đồng ruộng ở địa bàn 7 huyện, thành phố. Kết quả điều tra cho thấy, sâu bệnh đã xuất hiện trên tất cả các loại cây trồng. Cụ thể, đối với lúa, sâu cuốn lá gây hại trên diện tích 6 ha, với mật độ 2-3 con/m2; sâu đục thân và bệnh đạo ôn phát sinh ở 38 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh, với tỷ lệ hại 3-7%, tập trung chủ yếu tại huyện Ninh Sơn và Ninh Hải. Ngoài ra, sâu đục thân và bệnh đốm lá, bọ trĩ, ruồi đục lá cũng đã gây hại một số diện tích bắp, cây ăn quả, rau đậu các loại, nhưng không đáng kể.

Đồng chí Phạm Dũng cho biết thêm: Tình hình sâu bệnh gây hại trong những ngày qua phổ biến ở mức độ nhẹ, nông dân đã thực hiện phòng, trừ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, không để lan ra diện rộng. Tuy vậy, thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh sâu bệnh. Chi cục BVTV tiếp tục duy trì đốt bẫy đèn, tăng cường công tác điều tra diễn biến sinh vật gây hại trên đồng ruộng, hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các giải pháp BVTV để có mùa vụ bội thu.