Đề xuất Tòa án cấp tỉnh giải quyết khi UBND huyện ra quyết định trái luật

Sáng 12/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

 Phó Chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa trình bày báo cáo giải trình tại phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)

Sáng 12/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi).

Không làm tăng “gánh nặng” cho Tòa án cấp tỉnh

Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, Phó Chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết, thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy theo quy định của Luật tố tụng hành chính hiện hành thì TAND cấp huyện được giao giải quyết các loại khiếu kiện hành chính, trong đó có khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và đa số là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đây là loại việc khó, phức tạp nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế, số vụ án bị huỷ, sửa vẫn còn cao, trong khi số lượng các vụ việc phát sinh mới ngày càng tăng theo đà đô thị hoá của các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. Để xử lý vấn đề này, Điều 33 dự thảo Luật quy định loại khiếu kiện này thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh.

Trước một số ý kiến cho rằng việc giao thẩm quyền xét xử cho TAND cấp tỉnh sẽ làm tăng “gánh nặng” cho cấp xét xử này, Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa khẳng định: Việc giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết các loại khiếu kiện này cũng không làm quá tải hoạt động xét xử của TAND cấp tỉnh do hiện nay phần lớn các vụ việc khác (hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại) đã được giao cho TAND cấp huyện giải quyết, trong đó các khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai chiếm khoảng 80%, tương ứng với 3.600 vụ. Nếu giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện thì trung bình mỗi năm TAND cấp tỉnh sẽ tăng thêm khoảng 60 vụ.

Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến Ủy ban này không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như dự thảo Luật. Vì quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện. Đồng thời, quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ Thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính.

Đồng tình với phương án giao TAND cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng quy định như trên sẽ bảo đảm tính khách quan, không ràng buộc nhiều, đồng thời tạo điều kiện để các Toà án nâng cao chất lượng giải quyết các khiếu kiện hành chính, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho rằng, trong lĩnh vực hành chính có đặc thù riêng,vì vậy khi sửa đổi Luật phải nhìn vào thực tế với tình hình hiện nay nếu để cấp huyện xét xử không khả thi.

Đồng tình với việc trao quyền cho TAND cấp tỉnh giải quyết, song Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh chỉ ra theo nguyên tắc trên 1 cấp quản lý, như vậy đối với các khiếu kiện của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải giao cho TAND cấp cao giải quyết. Đồng thời, cần phân định rõ thẩm quyền giữa tòa tỉnh và huyện khi giải quyết kiện hành chính đối với những nhóm không thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính.

Cần thiết có thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính

Về thủ tục rút gọn, đa số ý kiến nhất trí nhất trí với việc cần có thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính theo hướng không chỉ rút gọn về thời hạn mà còn rút gọn về trình tự, thủ tục để áp dụng giải quyết đối với các vụ việc đơn giản, chứng cứ rõ ràng.

Tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng dự thảo Luật TTHC (sửa đổi) mới chỉ quy định thủ tục rút gọn ở giai đoạn xét xử sơ thẩm là chưa phù hợp.

Nhấn mạnh thủ tục rút gọn là cần thiết đối với những việc đơn giản có lợi cho xã hội, cho công dân. Tuy nhiên, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đề xuất chỉ rút gọn về mặt thủ tục nhưng quy trình tố tụng phải giữ nguyên, bảo đảm quyền của các bên và sự tham gia của các cơ quan khác, đăc biệt là Viện Kiểm sát.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước tỏ ra băn khoăn, khi dự thảo Luật quy định chỉ rút gọn thủ tục đối với những quyết định hành chính có mức phạt dưới 50 triệu đồng. Theo ông Ksor Phước, không nên quy định cụ thể mức tiền mà phải có tiêu chí, bảo đảm tính công minh.../.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam