Xem xét việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương

Sáng 11/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các Tờ trình của Chính phủ về Đề án thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính tại một số tỉnh. Đa số ý kiến cho rằng việc thành lập thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), Đông Triều (Quảng Ninh), thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn), thành lập huyện Ia H’Drai (Kon Tum) là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh khu vực biên giới và miền núi.

Theo Đề án, Chính phủ đề nghị thành lập thị xã Đông Triều và các phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H'Drai thuộc tỉnh Kon Tum; thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và việc thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn.

 

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên, UBTVQH thực hiện thẩm quyền quyết định việc nâng cấp, chia tách đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh theo Hiến pháp năm 2013. Trước đó, thẩm quyền này thuộc Chính phủ. Thực tế cũng đã có một số trường hợp chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, nhưng xét thấy sự cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, nên Chính phủ vẫn đồng ý nâng cấp hoặc chia tách.

Ủng hộ việc nâng cấp đô thị và thành lập huyện mới ở cả 4 đề án do Chính phủ trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các tiêu chí về dân cư không thể lúc nào cũng áp dụng cứng nhắc. Ví dụ, khi thành lập thành phố vệ tinh để hút bớt dân cư ở thành phố lõi mà cứ nhất nhất áp dụng tiêu chí chung về mật độ dân cư là không hợp lý. Do vậy, cần có tư duy mới về tiêu chí này và UBTVQH cần hướng tới nghiên cứu bộ tiêu chí mới thay thế bộ tiêu chí cũ của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) năm 1981 đang có những điểm không còn phù hợp với tình hình mới.

Đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, UBTVQH cần ban hành bộ tiêu chuẩn mới về việc chia tách, thành lập mới, sáp nhập đơn vị hành chính và nâng cấp đô thị thuộc thẩm quyền theo Hiến pháp năm 2013.

Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H’Drai thuộc tỉnh Kon Tum nêu rõ, theo phương án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập mới huyện Ia H’Drai thì tỉnh Kon Tum không thay đổi về số đơn vị hành chính cấp xã nhưng có tăng 1 huyện (từ 8 huyện và 1 thành phố thành 9 huyện và 1 thành phố).

Về việc thành lập huyện mới Ia H’Drai thuộc tỉnh Kon Tum, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc tách huyện Sa Thầy để thành lập huyện mới Ia H’Drai là cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Một nửa chiều dài đường biên giới với Cam-pu-chia trên địa bàn tỉnh Kon Tum là thuộc huyện này, lại nằm gần ngã ba biên giới Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, nên huyện này có vị trí rất quan trọng và có tiềm lực phát triển.

“Nếu nhà nước không đầu tư thì muôn thuở các địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ không bao giờ phát triển và đuổi kịp các địa phương khác được”, Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh.

Chỉ ra việc thành lập huyện Ia H’Drai còn thiếu 1 tiêu chuẩn về dân số, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu vẫn bày tỏ quan điểm ủng hộ Đề án này. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu kiến nghị, Bộ Nội vụ nên tham mưu Chính phủ có báo cáo đánh giá việc nâng cấp đô thị và tách huyện mới trong 10 năm qua thấy có đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong dự án hay không?. “Nếu không thành lập thì sự phát triển, chuyển biến sẽ chậm hơn thế nào, cần có đánh giá rõ nét hơn”, ông Giàu nói.

Một số ý kiến cho rằng, Đề án chưa đi sâu phân tích khó khăn, trở ngại cũng như thuận lợi trong bố trí phòng thủ, tác chiến bảo vệ lãnh thổ khu vực biên giới, phương hướng, giải pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong điều kiện huyện mới được thành lập…

Cuối buổi sáng 11/3, 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tại phiên họp đã biểu quyết thông qua việc thành lập thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), thành lập thành phố Bắc Kạn (Bắc Kạn) và thành lập huyện Ia H’Drai (Kon Tum).

Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Đông Triều và thành lập các phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh nêu rõ việc thành lập thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở toàn bộ 39.721,55 ha diện tích tự nhiên, 173.141 nhân khẩu và 21 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Đông Triều. Sau khi thành lập thị xã Đông Triều và các phường thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh có 4 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện (huyện Đông Triều chuyển thành thị xã Đông Triều), có 111 xã, 67 phường và 8 thị trấn. Theo đó. không làm tăng thêm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và biên chế cán bộ, công chức của tỉnh.

Theo Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập các phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn, sau khi thành lập phường Xuất Hóa, Huyền Tụng thuộc thị xã Bắc Kạn và thành lập thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn có 1 thành phố và 7 huyện, 110 xã, 6 phường và 6 thị trấn.

Tờ trình việc thành lập thị xã Điện Bàn và 7 phường thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam của Chính phủ nêu rõ huyện Điện Bàn (thuộc tỉnh Quảng Nam) có diện tích tự nhiên là 21.471 ha (214,7 km2) với 229.907 nhân khẩu, gồm 20 đơn vị hành chính các xã (19 xã và 1 thị trấn). Hiện huyện Điện Bàn đã đủ tiêu chuẩn để thành lập thị xã Điện Bàn (9/9 tiêu chuẩn đạt yêu cầu); trong tiêu chuẩn về hệ thống hạ tầng đô thị đã đạt 29/30 tiêu chuẩn, còn thiếu tiêu chuẩn về mật độ đường trong khu vực nội thị là chưa đạt...

 Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam