Tuy nhiên trên thực tế, số ca ngộ độc thực phẩm còn cao gấp nhiều lần so với báo cáo vì người dân chưa có thói quen khai báo những trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ và vừa, tự điều trị hoặc điều trị ở cơ sở y tế tư nhân hoặc tự cho qua.
Theo bác sỹ Quảng Đại Hồng, Trưởng khoa cấp cứu đa khoa-Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, số ca ngộ độc thực phẩm được chữa trị tại bệnh viện trong năm 2014 là 202 người, người lớn 191 ca, trẻ em 11 ca, có 11 ca rất nặng, trong đó có 2 ca phải lọc máu liên tục mới cứu sống.
Việc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm trong nước đang được Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích. Tuy nhiên vào dịp tết, nhu cầu hàng hóa thực phẩm tăng mạnh gấp nhiều lần nên có cơ sở phát sinh tình trạng làm ăn tắc trách, chạy theo lợi nhuận, vi phạm quy định an toàn thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Thực phẩm kém chất lượng sẽ gây ngộ độc cho người tiêu dùng với các hình thức: Ngộ độc cấp sẽ xảy ra tình trạng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, khó thở, trụy tim mạch và nếu không cấp cứu kịp thời có thể sẽ tử vong. Thường xảy ra và nguy hiểm lâu dài là tình trạng ngộ độc mạn tính, là người sử dụng sẽ nhiễm một số vi sinh vật, vi nấm, độc tố, hóa chất độc hại gây tích lũy lâu dài sẽ phát sinh những bệnh mạn tính cho gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ nội tiết... trong đó có các bệnh ung thư. Ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, đến sự phát triển nòi giống, sự phát triển kinh tế và cả uy tín quốc gia nên cá nhân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức không được coi thường.
Có những loài thực vật, sinh vật mang độc tố tự nhiên như: Măng sống, khoai mì có độc chất A-xít Xyanhydrite, cần luộc kỹ trước khi ăn; các loại nấm lạ hoang dại và nên nhớ nấm có nhiều màu sắc thì càng độc (độc chất Amantadine), củ khoai tây nẩy mầm có độc chất là Solanine, ... kiên quyết không sử dụng; các sinh vật như: cá nóc, cóc, con so, các loài ốc lạ, cá lạ, bạch tuộc đốm xanh... kiên quyết không sử dụng. Các loại cà, cà chua sống không nên ăn nhiều. Trái cây, rau củ quả hư, héo, các loại thực phẩm, ngũ cốc, lương thực nhiễm mốc không được dùng, thậm chí còn không được chế biến thành thực phẩm cho gia cầm, gia súc, thủy sản ăn vì độc tố tồn lưu trên sinh vật, người ăn vào sẽ bị ngộ độc. Khâu vệ sinh an toàn thực phẩm rất cần được quan tâm vì hơn 65% vụ ngộ độc là do thực phẩm nhiễm vi sinh vật gây ra.
Khi bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn có các triệu chứng kể trên, vấn đề sơ cấp cứu ban đầu là rất quan trọng. Trước hết dùng ngón tay hoặc que tăm bông chạm vào thành sau của họng hoặc cho uống dung dịch nước muối để làm cho bệnh nhân ói ra thức ăn có độc, cẩn thận với trẻ em; chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để xử trí, không nên mất thời gian với các biện pháp không khoa học.
Chỉ chọn mua những thực phẩm tươi sống, những sản phẩm thực phẩm nguyên vẹn bao bì, còn hạn sử dụng và nên mua những nơi có địa chỉ tin cậy, không nên ham rẻ mà mua hàng trôi nổi. Mùa này là mùa của cúm gia cầm, heo tai xanh, bệnh liên cầu lợn thì không nên ăn tiết canh, không nên mua bán, giết mổ, ăn thịt gia cầm, gia súc bệnh và không ăn những thực phẩm có độc đã nêu trên. Nước sạch là một yếu tố cần quan tâm trong khâu nuôi trồng, nước chứa các nguyên tố kim loại nặng, chứa vi khuẩn, ấu trùng ký sinh trùng sẽ lây nhiễm cho người sản xuất và người tiêu dùng; nước sạch trong sinh hoạt, chế biến thực phẩm là điều bắt buộc đầu tiên để phòng ngộ độc thực phẩm.
Bs. Nguyễn Năm