Thuở nhỏ tôi thường theo mẹ đi nhặt những trái gòn già rụng quanh gốc. Hoặc dùng sào tre khèo những trái gòn già la đà dưới cành thấp. Vừa nhặt gòn, mẹ tôi vừa nói:” Bông gòn làm gối nằm mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Gối bông gòn ít tốn kém, sử dụng bền lâu”. Mẹ tôi gánh trái gòn về trải ra sân nhà phơi dăm ba nắng cho thật khô. Sau đó, mẹ cần mẩn ngồi tách vỏ bỏ hột để lấy những múi bông gòn trắng tinh. Mẹ dùng thanh tre mỏng đánh cho bông thiệt tơi rồi cất vô bao ny lon để dành làm gối cho anh em tôi nằm.
Vỏ gối, áo gối được mẹ chọn loại vải mềm, bà tỉ mẩn may tay, đường kim mũi chỉ thẳng tăm tắp, đều đặn. Mẹ nhẹ nhàng dồn bông gòn vào lớp vỏ rồi may kín miệng gối. Có lẽ từ khi nhận biết sự vật quanh mình, tôi đã nằm trên chiếc gối bông gòn do mẹ may. Còn nhớ cách nay hơn mười năm, mẹ lặn lội từ quê ra thăm gia đình tôi ở Phan Rang. Món quà quê được mẹ xách theo là bị bông gòn trắng muốt thu hái từ đồng làng. Năm ấy, mẹ tôi gần bảy mươi tuổi, bà vẫn tỉ mẩn ngồi may tay chiếc vỏ gối bông gòn mới cho đứa con trai mái tóc cũng chớm ngã màu sương. Chiếc gối bông gòn cuối cùng được mẹ may, tôi vẫn nằm tới giờ.
Cuộc sống phát triển hiện nay có rất nhiều loại gối được bày bán giữa các cửa hiệu sang trọng. Có lẽ không có loại gối nào da diết lòng tôi bằng gối bông gòn do tự tay mẹ may. Cầm trên tay chiếc gối bông mẹ may nay đã ngã màu thời gian, tôi bâng khuâng tự hỏi liệu sau này có còn mùa bông gòn trắng bay.
Thái Sơn Ngọc