Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Tập trung xây dựng phương án đơn giản hóa giấy tờ công dân

Kết luận tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020, về rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong năm 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành tập trung rà soát, xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an sớm tổ chức họp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan để thống nhất các nội dung về: tính khả thi, cách thức thực hiện Dự án; các phương án kỹ thuật, đặc biệt là phương án về nguồn vốn để sớm triển khai, thực hiện Đề án.

Văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng tài liệu hướng dẫn rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành triển khai để bảo đảm tiến độ.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Tiến độ xây dựng các văn bản cần bám sát Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về việc tổ chức thu thập thông tin cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Phó Thủ tướng yêu cầu việc thu thập phải tận dụng tối đa các nguồn thông tin quản lý sẵn có đã được lưu trữ, thông qua tàng thư căn cước công dân, hệ thống thông tin lưu trữ về hộ tịch; hạn chế tối đa việc làm phiền nhân dân trong quá trình thực hiện. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tập huấn thu thập thông tin, nhập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về số định danh cá nhân, Bộ Công an, phối hợp với các cơ quan có liên quan, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về cấu trúc số định danh cá nhân, bảo đảm không xảy ra hiện tượng trùng số, tràn số hoặc sử dụng gian lận số định danh cá nhân.

Giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư của Công ty Da giầy Hải Phòng

Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư của Công ty TNHH một thành viên Da giầy Hải Phòng. Tiền lương để tính chế độ theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các sở, ngành và Công ty TNHH một thành viên Da giầy Hải Phòng rà soát hồ sơ đối với số lao động (293 người) còn đủ điều kiện xác định là lao động dôi dư theo quy định tại thời điểm cổ phần hóa Công ty.

Đồng thời chỉ đạo Công ty sau khi bán cổ phần thực hiện quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa, xác định kinh phí chi trả trợ cấp cho người lao động dôi dư, báo cáo UBND thành phố Hải Phòng phê duyệt theo thẩm quyền.

Trường hợp số tiền thu được từ cổ phần hóa không đủ giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư thì được cấp kinh phí từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp để chi trả cho người lao động.

Rà soát, điều tra cơ bản tài nguyên nước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt đề án Quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tổ chức thực hiện việc rà soát, điều tra cơ bản tài nguyên nước của cả nước, hướng dẫn các địa phương thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên phạm vi địa bàn; lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước theo đúng quy định của Luật Tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành liên quan, tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lập quy hoạch tài nguyên nước các lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật hiện hành và triển khai thực hiện phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực trong thời gian tới.

Triển khai Kế hoạch hành động hợp tác công nghiệp Việt-Nhật

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban chỉ đạo Chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 1/7/2013. Mục tiêu chung của Chiến lược là ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp gồm công nghiệp điện tử; công nghiệp máy nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông, thủy sản; công nghiệp đóng tàu; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng; công nghiệp sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế; phát triển những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Để triển khai các kế hoạch hành động đã được phê duyệt trong Chiến lược, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ: Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải và Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được phân công thực hiện kế hoạch hành động các ngành và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo trong tháng 4/2015.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Chương trình công tác triển khai thực hiện Kế hoạch hành động các ngành của Ban Chỉ đạo trên cơ sở tổng hợp Chương trình công tác của các Bộ trình Trưởng Ban Chỉ đạo để xem xét, phê duyệt trước ngày 27/2/2015.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành liên quan theo dõi, chuẩn bị thông tin về tình hình triển khai Chiến lược công nghiệp hóa, các lĩnh vực và sản phẩm có tiềm năng hợp tác với phía Nhật Bản... để phục vụ cho các hoạt động trao đổi, xúc tiến đầu tư ở Nhật Bản. Bộ cũng phải phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính vận động nguồn lực từ các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài cho các dự án, lĩnh vực hợp tác trong các kế hoạch hành động...

Về kế hoạch hành động ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục trao đổi với Đại sứ quán Nhật Bản để thống nhất nội dung và hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3/2015.