Thắng lợi của cách mạng Việt Nam gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng

Thực tế 85 năm qua đã khẳng định, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước, từ lập trường Cần Vương đến lập trường tư sản, tiểu tư sản, qua khảo nghiệm của lịch sử đều lần lượt thất bại. Tình hình đất nước đen tối như không có đường ra. Lãnh tụ Nguyễn ái Quốc-Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường đấu tranh giải phóng dân tộc đã sớm tiếp cận lý luận cách mạng của thời đại là Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tìm thấy ở lý luận đó con đường giải phóng đúng đắn. Suốt những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn ái Quốc đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập một Đảng cách mạng chân chính. Sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng cách mạng của Nguyễn ái Quốc đã dẫn tới sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (tháng 2-1930) đã xác định trách nhiệm lớn lao lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc “làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”, tạo tiền đề “để đi tới xã hội cộng sản”. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã giải quyết những vấn đề cơ bản của cách mạng: Về mục tiêu chiến lược lâu dài và mục tiêu cụ thể; về tổ chức và xây dựng lực lượng cách mạng; về hình thức và phương pháp đấu tranh, sách lược cách mạng; về đoàn kết mọi lực lượng của toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; về xây dựng Đảng-đội tiền phong lãnh đạo cách mạng. Cương lĩnh của Đảng không ngừng được bổ sung, phát triển và cụ thể hóa trong đường lối, chính sách và những chủ trương lớn ở các thời kỳ cách mạng.

Dù có những nhận thức và quan điểm khác về đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong Quốc tế Cộng sản, Nguyễn ái Quốc vẫn kiên trì nêu cao đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc về nước sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài. Tại Cao Bằng, tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8, phát triển hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đấu tranh dân tộc với đấu tranh giai cấp, chống đế quốc và chống phong kiến, lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Quyền lợi của bộ phận, giai cấp phải đặt dưới quyền lợi của quốc gia, dân tộc; phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc.

Đường lối đúng đắn của Đảng được mọi giai cấp, tầng lớp trong dân tộc hưởng ứng và ủng hộ, phát triển mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh, thúc đẩy cao trào giải phóng dân tộc, dẫn tới thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xóa bỏ chế độ thuộc địa gần một thế kỷ, chấm dứt chế độ phong kiến hàng nghìn năm, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa-Nhà nước cách mạng kiểu mới ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh-một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc.

Không cam chịu thất bại ở Việt Nam, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta từ ngày 23-9-1945 với việc đánh chiếm Nam Bộ. Sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), đế quốc Mỹ tìm cách thế chân Pháp bằng cách thiết lập chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam và phát động cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo chống dân tộc Việt Nam vốn khát khao độc lập, tự do và yêu chuộng hòa bình. Đảng Cộng sản Việt Nam trước vận mệnh sống còn của dân tộc đã quyết tâm lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến oanh liệt giành và bảo vệ độc lập, thống nhất của dân tộc. Sự nghiệp đó được hoàn thành trọn vẹn với Đại thắng mùa Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Kiên định mục tiêu chiến lược của cách mạng, khi miền Bắc được giải phóng (1954), Đảng đã lãnh đạo thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đất nước thống nhất (1975), Đảng lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó đã có được những thành tựu quan trọng: Xóa bỏ chế độ bóc lột, xây dựng cơ sở vật chất-kỹ thuật quan trọng của chủ nghĩa xã hội, tạo dựng nền văn hóa và con người mới trong một xã hội ổn định, lành mạnh và chế độ chính trị vững chắc, song cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém, thậm chí sai lầm, khuyết điểm. Thực tế đó đòi hỏi Đảng phải chú trọng nắm bắt đặc điểm, thực tiễn của đất nước, đổi mới tư duy lý luận, khắc phục bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, nóng vội để nhận thức và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, những đặc trưng của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đường lối đổi mới của Đại hội VI (12-1986) đã được hoạch định trên cơ sở đó. Thực tiễn đổi mới và sự phát triển nhận thức lý luận có ý nghĩa quan trọng để Đảng đề ra “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” tại Đại hội VII (6-1991) và bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 tại Đại hội XI của Đảng (1-2011).

Thành tựu to lớn và rất quan trọng của công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã làm biến đổi và phát triển đất nước cả về chính trị, kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao và khẳng định vị thế của Việt Nam trong đời sống chính trị, kinh tế của thế giới. Từ thành tựu của đổi mới mà nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Sáng tỏ hơn về mục tiêu và mô hình của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Những vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người và chặng đường bước đi của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng được thực tiễn làm rõ để nhận thức đúng đắn hơn. Nội dung và khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa cũng được nhận thức rõ hơn. Sự phát triển thực tiễn và nhận thức về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cho thấy giá trị bền vững của lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, lý luận hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đang được nhận thức và vận dụng sáng tạo từ thực tiễn Việt Nam.

Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa, đoàn kết dân tộc và vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và sự đồng thuận xã hội. Thực hiện tốt hơn các đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát để phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng con người mới.

Trong khi phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta cũng hết sức chú trọng thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc theo nội dung Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống của nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, biển đảo của Tổ quốc. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế của đất nước.

Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi những vấn đề cơ bản và bức thiết đó, Đảng không ngừng nâng cao trình độ lý luận và trí tuệ, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cơ sở để bổ sung, phát triển cương lĩnh và đường lối. Làm rõ hơn những vấn đề nhận thức lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về Đảng Cộng sản cầm quyền, về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhiều vấn đề mới đặt ra từ thực tiễn đổi mới và hội nhập quốc tế. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo gắn với trách nhiệm người đứng đầu, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Chú trọng chất lượng đảng viên và xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược; nâng cao bản lĩnh chính trị gắn với rèn luyện, nêu gương đạo đức cách mạng. Tổ chức Đảng các cấp phải không ngừng đổi mới phong cách công tác, nắm bắt thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, đổi mới phương thức lãnh đạo từ ra quyết định đến tổ chức thực hiện, kiểm tra, tổng kết thực tiễn. Đó là những yêu cầu thiết yếu bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, củng cố vững chắc vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân