Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã lấy Chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Đảng đề ra “Chính cương vắn tắt”, “Sách lược vắn tắt” và “Luận cương chính trị” về cách mạng Việt Nam, thể hiện sự lựa chọn dứt khoát con đường cách mạng đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH). Việc đặt cách mạng Việt Nam vào quỹ đạo trào lưu tiến bộ nhất của loài người trong thế kỷ 20 là sáng tạo lớn nhất của Đảng ta, làm nền tảng vững chắc cho những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
Bức ảnh “Ngày độc lập”, trong bộ sưu tập của Giáo sư người Pháp Phi-líp Đờ-vi-lê (Phillippe Devillers)
trưng bày tại Nhà thông tin Tràng Tiền miêu tả sự phấn khởi, niềm vui của quân và dân ta
trong ngày Quốc khánh 2-9-1945. Ảnh: QĐND.
Nhìn lại thời điểm thành lập Đảng, trình độ dân trí của nước ta rất thấp, có đến 90% dân số chưa biết chữ. Giai cấp công nhân Việt Nam mới hình thành, số lượng chỉ khoảng 22 vạn người. Lúc này, các đảng cộng sản ở châu Âu và Quốc tế cộng sản chưa có sự thống nhất về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đặt trong bối cảnh đó mới thấy hết sự ra đời của Đảng ta đã đáp ứng được yêu cầu khách quan của lịch sử và có ý nghĩa thực tiễn cách mạng sâu sắc. Qua đó cũng thấy rõ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong xác định đường lối cách mạng Việt Nam, không rập khuôn sao chép đường lối cách mạng của các đảng cộng sản, các phong trào dân tộc khác trên thế giới.
Trong cương lĩnh chính trị thành lập Đảng năm 1930, Đảng ta đã quyết định con đường cách mạng Việt Nam là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Đó là sự thể hiện bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng, là ngọn nguồn để Đảng ta luôn giữ vững vai trò và uy tín lãnh đạo đối với toàn xã hội, đưa cách mạng tiếp tục vượt qua những chặng đường đầy khó khăn, thử thách.
Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một bước ngoặt khẳng định vị thế của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, một lần nữa khẳng định bản lĩnh chính trị, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta, đã “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đảng ta đã dự đoán chính xác tình hình trong nước và thế giới, có những quyết định đúng đắn, sáng tạo trong xác định đường lối quân sự với phương pháp, hình thức đấu tranh thích hợp là đi từ khởi nghĩa từng phần, ở từng địa phương, tiến lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước khi có tình thế và thời cơ chín muồi. Vì vậy, chỉ với hơn 5000 đảng viên, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Những năm 1945-1946, cách mạng Việt Nam đứng trước sự nghiệt ngã “ngàn cân treo sợi tóc”. Chính quyền cách mạng rất non trẻ, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, nền kinh tế kiệt quệ, nạn đói xảy ra triền miên. Trong khi đó quân đội của Tưởng, quân viễn chinh Pháp và quân Anh tràn ngập từ Bắc đến Nam. Chúng câu kết chặt chẽ với bọn cơ hội, với các đảng phái phản động “Việt Quốc”, “Việt Cách”, hòng tiêu diệt Đảng ta và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trước những tình thế vô cùng hiểm nghèo, khi chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta mới ra đời đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách... Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết đoán mau lẹ, chính xác, linh hoạt; thực hiện “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nhất là trên những vấn đề có tính nguyên tắc, để giữ vững và phát triển thành quả của cách mạng.
Sự nhạy cảm đặc biệt về chính trị thể hiện trình độ trí tuệ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại thành công, với sách lược lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù; lực lượng Công an nhân dân đã đập tan âm mưu và thủ đoạn thâm độc của chúng, làm tan rã bọn tay sai phản động trong nước. Để tăng cường thực lực cách mạng, Đảng ta đã tổ chức Tổng tuyển cử, khẳng định quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân; đồng thời phát động phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tuần lễ vàng”... góp sức đưa đất nước vượt qua thời điểm cực kỳ khó khăn. Đến tháng 12-1946, khi điều kiện hòa hoãn với Pháp không còn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động phát động toàn dân đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Phải đặt trong hoàn cảnh đặc biệt của cách mạng nước ta khi ấy mới thấy hết bản lĩnh chính trị, ý chí độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, tinh thần sáng tạo, chủ động và trách nhiệm của Đảng ta đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam trong bước ngoặt lịch sử cách mạng.
Sau năm 1954, đất nước tạm thời chia làm hai miền với việc thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đảng ta đề ra đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền, trong điều kiện trên thế giới chưa có tiền lệ. Ở thời kỳ này, chủ nghĩa cơ hội, xét lại xuất hiện trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã tác động ảnh hưởng đến cách mạng nước ta. Thắng lợi huy hoàng của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại, đồng thời khẳng định, Đảng ta luôn kiên định trên lập trường chính trị của giai cấp công nhân, phân tích một cách khách quan, khoa học tình hình thế giới, trong nước để giải quyết đúng đắn, sáng tạo, biện chứng mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Trên cơ sở đó, chúng ta đã chủ động đấu tranh làm thất bại mọi quan điểm, tư tưởng hữu khuynh, ích kỷ, hẹp hòi, thụ động, cùng những hành động đi ngược với tinh thần yêu nước chân chính và tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng của giai cấp công nhân.
Cần nhắc lại một thực tiễn lịch sử, đó là, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, cách mạng miền Nam gặp phải thử thách hết sức gay gắt và chịu tổn thất nặng nề trước sự khủng bố dã man, tàn bạo của Mỹ-Diệm bằng Đạo luật 10/59. Đứng trước tình hình đặc biệt khó khăn đó, Đảng ta đã chủ động, nhạy bén đề ra Nghị quyết Trung ương 15 (1-1959) để quyết định đường lối và phương pháp cách mạng ở miền Nam. Nghị quyết lịch sử của Đảng đã soi sáng con đường đấu tranh cho cách mạng miền Nam, động viên quân và dân cả nước đồng tâm hiệp lực, đánh bại tất cả các chiến lược quân sự của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn trong mùa Xuân năm 1975 lịch sử.
Trong những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, nhiều nước trong hệ thống XHCN lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng. Cách mạng nước ta lại đứng trước những thách thức mới vô cùng nghiệt ngã. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, cơ hội quốc tế chống phá điên cuồng các nước XHCN còn lại trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trọng điểm. Trong bước ngoặt mới của cách mạng, Đảng ta luôn nêu cao trách nhiệm trước toàn dân tộc trong việc tìm tòi con đường phát triển đất nước, đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, phồn vinh cho dân tộc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, thể hiện sâu sắc bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ và tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trên con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Như vậy, trong mỗi bước ngoặt lịch sử của cách mạng, tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của Đảng ta luôn ngời sáng. Đó cũng chính là nét nổi bật về bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của Đảng ta; là bài học kinh nghiệm quý xuyên suốt lịch sử 85 năm lãnh đạo và đấu tranh cách mạng của Đảng. Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng ta hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa giáo điều, cơ hội, xét lại, cùng những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động...
Sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi mới, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, nguy cơ. Trong tình hình mới, việc không ngừng giữ vững và phát huy bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng, vừa là truyền thống cách mạng vẻ vang, vừa là cơ sở để Đảng ta nâng cao hiệu quả kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp thế và lực trong nước với nguồn lực bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, cùng có lợi, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững, theo định hướng XHCN.
Nguồn Báo điện tử Quân đội nhân dân
(*) Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.8.