Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Quảng Ninh

Chiều 3/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường
 chỉ đạo thực tiễn và chú ý tổng kết lý luận với nhiều chính sách mới, xã hội hóa nhiều
chính sách  đầu tư dần đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, Quảng Ninh có lợi thế so sánh với các địa phương khác như là tỉnh duy nhất có đường biên cả trên bộ, trên biển, có kỳ quan thiên nhiên thế giới, trữ lượng than lớn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Quảng Ninh cũng đang đối mặt với hai mâu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn và cơ chế chính sách còn hạn hẹp, giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch trên cùng địa bàn; thách thức đặt ra là giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giữa đô thị hóa với giải quyết môi trường sống, tăng trưởng nhanh với bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp giàu nghèo và vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm độc lập chủ quyền, lãnh thổ biên giới.

Từ định vị trên, Quảng Ninh quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, bảo đảm quốc phòng-an ninh và phát triển KT-XH. Mục tiêu phát triển được xác định là “đến năm 2020, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước” với triết lý phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và hội nhập, trên cơ sở đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại, phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, KT-XH của Quảng Ninh đã đạt được những thành quả to lớn, toàn diện trên mọi mặt đời sống của nhân dân. Theo đó, tăng trưởng GDP bình quân 4 năm qua đạt 9%, GDP bình quân đầu người đạt 3.500 USD (vượt chỉ tiêu 3.000 USD), tỷ trọng công nghiệp giảm từ 59% năm 2011 xuống còn 50% năm 2014, dịch vụ tăng từ 34% lên 44% năm 2014, thu dựa vào du lịch từ 2,6% năm 2011 tăng lên 5,2% năm 2014.

Qua đó, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 đứng thứ 4 cả nước, dẫn đầu miền Bắc. Từ hội nghị xúc tiến thương mại năm 2012 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được gần 7 tỷ USD từ nguồn vốn đầu tư, trong đó có 1,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2014 có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 2 huyện (Cô Tô và Đông Triều) cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới; thành phố Uông Bí và Cẩm Phả hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 1,75% năm 2014.

Một trong lĩnh vực được đánh giá cao là công tác cải cách hành chính với mô hình đang áp dụng khá hiệu quả là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh; cải cách bộ máy hành chính đã giảm được 102 công chức, 471 viên chức và 459 người lao động; giảm chi thường xuyên của các cơ quan hành chính 350 tỷ đồng năm.

Công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Quảng Ninh là đúng hướng, chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia). Năm 2014 đã bắt giữ 2.514 vụ việc, khởi tố 86 vụ với 126 đối tượng, tịch thu hàng hóa 76 tỷ đồng, xử phạt 59 tỷ đồng, truy thu thuế 198 tỷ đồng.

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những thành quả to lớn mà tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian qua. Đây là nền tảng để Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng. Tỉnh cần tăng cường chỉ đạo thực tiễn và chú ý tổng kết lý luận với nhiều chính sách mới, xã hội hóa nhiều chính sách đầu tư dần đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. Tinh thần đoàn kết thống nhất vì mục tiêu chung là phát triển tỉnh nhà cần được phát huy hơn nữa.

Các lực lượng chức năng về chống buôn lậu được tăng cường, thực hiện luân chuyển cán bộ và từng bước nâng cao hiệu quả công tác này, hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Về nhiệm vụ phát triển KT-XH, Phó Thủ tướng cho rằng cần tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tập trung thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, đăng ký kinh doanh.

Về phòng chống tội phạm có nhiều tiến bộ nhưng phải thực hiện tốt Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị với yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán để người dân đón Tết ấm no, lành mạnh, tiết kiệm. Tiềm ẩn về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở Quảng Ninh còn rất lớn. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu địa phương, phân công trách nhiệm rõ ràng của các lực lượng chuyên trách, tập trung phát hiện các vụ việc buôn lậu lớn với các thủ đoạn tinh vi.

Về cải cách hành chính, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Quảng Ninh cần thực hiện nghiêm túc Chương trình cải cách hành chính tổng thể quốc gia đến năm 2020; nghiên cứu nhân rộng mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Quảng Ninh bởi những hiệu quả thiết thực mà mô hình này đang mang lại hiện nay.

Đối với một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Nguồn www.chinhphu.vn