Đơn giản “sếp” cơ quan là nhất
Chuyện đơn giản như thò tay vào ví lấy tiền mà cũng đố! Anh bạn trẻ tuổi nhất trong Hội lên tiếng. Rồi anh tuôn một lèo: Tuốt tuồn tuột, từ công việc đến lương bổng, rồi việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí cán bộ… kể cả công việc nhỏ như điện, nước, vườn hoa, cây cảnh, phong trào công nhân viên chức đều một tay sếp chỉ đạo, lãnh đạo. Thế nên mới có câu “một người lo bằng kho người làm”, còn luật pháp thì qui định rành rành “trách nhiệm người đứng đầu” của sếp đối với cơ quan, đơn vị, mà các ông thấy đấy ai chẳng phấn đấu mong được làm sếp. Vậy nên, “sếp” cơ quan là “to” nhất, “lớn” nhất, “quan trọng” nhất!!!
Trong nhà mới ra ngoài ngõ “vợ” là nhất
Không tranh luận với cậu trẻ tuổi, anh trung niên hùng hồn tuyên bố: Ông bà ta xưa đã tổng kết “nhất vợ, nhì trời”, khỏi tranh luận tốn thời gian. Rồi anh dẫn chứng: Vợ là người giữ tiền cho ta, nuôi con ta lớn khôn, ngày ngày chăm sóc nuôi nấng ta… thế thì không ông chồng nào dại tuyên bố vợ là “nhì” cả, nếu lỡ miệng nói vợ xếp thứ “ba, tư” thì sẽ biết tay “sư tử Hà Đông”!
Muôn sự tại trời
Chị phụ nữ lắng nghe hai chú mày râu tranh luận rồi cười sảng khoái: Nghe các ông nói tôi sướng quá, bởi người vợ mà được đức ông chồng tôn sùng là “to” nhất, “lớn” nhất, “quan trọng” nhất thì còn gì bằng, các ông muốn gì các “quý vợ” cũng chiều nhưng đôi lúc phải xem lại bởi đàn ông lắm mưu, nhiều kế có “trời” mới biết. Chẳng hạn, các ông khoán việc gia đình, việc nuôi nấng, dạy dỗ, học hành của con cái cho vợ còn mình thì nào công việc cơ quan, nào tiếp khách… rồi ai biết các ông tiếp “gì…” nữa. Con cái học hành yếu, ham chơi bời… thì cứ như là “con hư tại mẹ”. Nếu có ai đó nêu trách nhiệm các ông đối với con cái gia đình thì “các bác thông cảm tại con vợ tôi nó chiều cháu quá”. Các ông đưa vợ lên “nhất” để rồi dễ bề đổ lỗi, là đấng trượng phu ai làm thế?
Chuyện đùa vui, ai dè động chạm phụ nữ, việc mà vốn xưa nay cánh nam nhi trong Hội luôn tránh. Được cái, anh phát ngôn “vợ là nhất” vốn có biệt tài “vụng chèo, khéo chống” lý giải: Lấy vợ ra đổ lỗi thì vợ có “giận thì giận mà thương thì thương” còn đưa sếp lên mây để rồi đổ lỗi cho sếp thì chỉ có về làm “nhà báo” (về nhà báo hại vợ), mong bà “đại xá” cho.
Chị phụ nữ lúc này cười to hơn, cánh mày râu nhìn nhau ngơ ngác. Thế rồi, chị dịu giọng: Chuyện những người thích đùa thì đúng hay sai đâu quan trọng vì “đùa để vui, vui mới đùa” nhưng từ gợi ý của các ông tôi cho rằng “trời là nhất”. Ngày hôm qua, tôi dự tổng kết của một doanh nghiệp, nghe lãnh đạo cấp trên thuyết trình “nguyên nhân của những yếu kém, hạn chế là do sự xuất hiện của dịch vụ mới OTT…”. Cậu thư ký vị lãnh đạo kia ngồi bên cạnh nói nhỏ “chị thấy đấy, sự xuất hiện của dịch vụ mới thúc đẩy cạnh tranh, tạo ra năng suất lao động cao hơn, người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng sếp cho đó là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp yếu kém nhưng thành tích thì bao giờ cũng là sự sáng suốt của lãnh đạo”. Mùa tổng kết đang vào vụ, các ông cứ kiểm chứng xem, bài ca đi cùng năm tháng “thành tích là do ta, còn yếu kém là do gì nhỉ… À, nhớ rồi cái năm 2010 một số mố trụ cầu cống, đoạn đường bị lũ cuốn trôi các báo cáo chỉ rõ nguyên nhân là tại…TRỜI”. Vậy nên “trời” là “to” nhất, “lớn” nhất, “quan trọng” nhất, nếu có gì khuyết điểm, yếu kém cứ đổ tại trời là xong hết, như cụ Nguyễn Du nói “Ngẫm hay muôn sự tại trời”.
Hồi kết
Chuyện của cánh những người thích đùa gợi lại một hội chứng khá phổ biến hiện nay là: Thành công bao giờ cũng là do mình còn khuyết điểm, yếu kém là bởi khách quan. Người Hàn Quốc có câu: Đừng đổ cho hoàn cảnh, vì thế từ một nước bị tàn phá sau chiến tranh, họ đã vươn lên nằm trong “top” những nước phát triển nhất thế giới. Dân tộc Việt Nam ta đủ sức vươn lên như người Nhật, Hàn Quốc nếu mỗi chúng ta thấy rõ yếu kém là “lỗi tại mình” để từ đó vượt qua, vững vàng đi lên trong thế giới hội nhập ngày nay.
Thanh Tâm