Năm nay lại có sự “đảo chiều”, không theo “quy luật”. Theo số liệu của Cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng đầu năm 2015 đã giảm sâu đến 0,13% so với tháng trước, cao hơn so với chỉ số giảm bình quân 0,2% của cả nước. Trong đó chỉ số nhóm hàng hóa giảm 0,25% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 0,89%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm giảm 1,69%) và chỉ số nhóm dịch vụ giảm 0,08%. So với tháng cùng kỳ năm trước (CPI) bình quân tăng 0,65%.
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế còn khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu nên sức mua hàng hoá trên địa bàn tỉnh giảm, mặc dù lượng hàng hoá cung ứng ra thị trường nhiều và đa dạng. Cụ thể, so với tháng 12-2014, ngoại trừ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,81% thì ở hầu hết các nhóm mặt hàng đều giảm như Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,71%, chủ yếu do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm liên tục; giá gas giảm 33.000đ/bình 12kg từ 1-1-2015 do ảnh hưởng giá gas thế giới giảm; thời tiết lạnh, lượng tiêu thụ điện, nước giảm đã làm cho giá nước sinh hoạt giảm 0,58%, điện sinh hoạt giảm 0,77%; cũng do thời điểm cuối năm âm lịch nên nhu cầu xây dựng thấp, cộng thêm chi phí giá xăng, dầu giảm đã làm cho nhóm vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,06%, chủ yếu là giá thép xây dựng giảm. Nhóm giao thông giảm 4,23% so với tháng trước, đây là nhóm có chỉ số giảm mạnh nhất trong 11 nhóm mặt hàng chính do nhóm nhiên liệu giảm 9,84% so với tháng trước...
So với tháng cuối năm, chỉ số giá vàng tăng 1,0% và giảm 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,44% so với tháng trước và tăng 1,64% so với cùng kỳ.
Theo dự báo, trong tháng 2 tuy là tháng tết Nguyên đán nhưng giá cả sẽ khó có thể tăng cao được. Một mặt do nhu cầu mua sắm không cao như mọi năm, mặt khác do giá xăng, dầu giảm mạnh cũng góp phần tác động không nhỏ đến việc "ổn định" giá cả trên thị trường.
Hạ Huyền