Trong niềm vui mới, ông Thuận Văn Tài, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hữu Đức chia sẻ: Năm nay HTX hợp đồng với Công ty Jimmy Hung Anh Food canh tác 50 ha lúa sạch, hình thành nên cánh đồng “khép kín” từ sản xuất đến tiêu thụ. Với hình thức canh tác mới, nông dân không phải nhọc nhằn “một nắng hai sương” như trước. Tất cả các khâu làm đất, cung ứng vật tư, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm, HTX đảm nhận hết, xã viên chỉ đến kỳ thu hoạch ra đồng nhận tiền, mỗi ha cho thu 100 triệu đồng/năm. Cuộc “cách mạng” nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, giúp người trồng lúa khá lên đó là nhờ ngành Nông nghiệp chủ trương đẩy mạnh liên kết sản xuất.
Cánh đồng lúa cao sản ở huyện Ninh Phước.
Trong năm, chúng tôi thường xuyên có mặt trên những cánh đồng lúa VietGAP, chung niềm vui được mùa của nông dân, rồi dự hội nghị đầu bờ, trao đổi với lãnh đạo huyện Ninh Phước, tất cả đều tâm đắc với mô hình “cánh đồng kép kín”. Đồng chí Phạm Văn Hậu, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước chia sẻ: Trên con đường xây dựng nông thôn mới, để nâng cao thu nhập cho nông dân chuyên canh trồng lúa, Ninh Phước chỉ còn cách là sản xuất hàng hóa chất lượng, tạo ra bước đột phá mới. Huyện đã có chương trình mở rộng diện tích trồng lúa sạch lên hàng trăm héc-ta vào những vụ tới.
Tiếp tục chuyến du hành đến các xã Phước Hải, An Hải, chúng tôi cảm nhận trọn niềm vui của nông dân đang vào vụ rau Tết. Năm nay, các hộ mạnh dạn đầu tư nhiều triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới phun, làm nhà lồng trồng rau an toàn. Anh Bùi Quang Đoàn phấn khởi cho biết: Sản xuất rau theo quy trình VietGAP có bán quanh năm. Mặc dù giá chưa được cao, nhưng cái lợi của mô hình này là sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, mỗi ha rau thu được 80 triệu đồng/năm, cao gấp 2 lần so với trước đây. Các hộ trồng rau khá giả lên là nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành chức năng, chính quyền địa phương. Năm qua, huyện Ninh Phước xúc tiến tổ chức các cuộc hội thảo tìm kiếm "đầu ra" cho mặt hàng nông sản đặc thù, tạo nên khí thế sôi nổi trong nông dân thực hiện “cánh đồng 100 triệu/ha/năm” lan rộng.
Cây mì đem lại giá trị kinh tế ổn định góp phần nâng cao đời sống nông dân huyện Ninh Sơn.
Ảnh: Sơn Ngọc
Tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, nông dân đang nô nức thu hoạch mía, mì. Năm nay, sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày ở hai huyện miền núi đã có nhiều thay đổi, nhất là bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Anh Hồ Ngọc Dũng, ở xã Quảng Sơn, cho biết: Trước đây trồng giống mía cũ, năng suất thấp chỉ đạt 50 tấn/ha. Niên vụ này, được Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang hỗ trợ giống mới, năng suất đạt 100 tấn/ha, năm mới bà con trồng mía ấm no hơn. Niềm vui nối tiếp niềm vui khi Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang đang đẩy mạnh thu mua mía của bà con, thanh toán tiền bạc nhanh chóng để các gia đình có điều kiện đón Tết, vui Xuân.
Có thể nói, cái được của ngành Nông nghiệp sau một năm nỗ lực đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất là hình thành nên những vùng chuyên canh cây trồng quy mô tập trung, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Năm mới 2015, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chương trình khảo nghiệm các loại giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương; đẩy mạnh công tác khuyến nông chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm giúp nông dân làm giàu được trên chính đồng đất của mình. Mùa xuân mới đang về trên những cánh đồng “trăm triệu”.
Anh Tùng