Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo “Thách thức phát triển DN năm 2015” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/1.
Nhìn lại năm 2014, Tổng thư ký VCCI Phạm Thị Thu Hằng nhận định, 2014 là một năm đầy biến động và khó khăn, thách thức đối với các DN. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực…
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định nhằm tiếp tục ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Đặc biệt là Chỉ thị 11 đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho các DN hoàn thành kế hoạch năm 2015.
Có cùng quan điểm, đại diện cho các DN trẻ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Lê Vĩnh Sơn đánh giá, năm vừa qua, những quyết sách của Chính phủ đã hỗ trợ DN trên rất nhiều mặt như giảm thiểu đáng kể thủ tục hành chính thuế, hải quan. Đồng thời, Chính phủ có nhiều chính sách tài chính, tín dụng và thúc đẩy sự phục hồi của thị trường BĐS.
Tuy nhiên, chia sẻ về thực trạng các DN nhỏ và vừa (DNNVV), bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết: Dù gia tăng mạnh về số lượng, DNNVV vẫn thiếu vốn sản xuất kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng (dù đã có cải thiện).
Đối mặt thách thức từ sân chơi lớn hơn
Về triển vọng cho năm 2015, Tổng thư ký VCCI cho rằng, căn cứ vào những động thái cải cách mạnh mẽ vừa qua, có thể thấy, năm 2015 chúng ta sẽ tiếp tục nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ, Nhà nước cho các DN hoạt động và phát triển.
Bà Phạm Thị Thu Hằng phân tích: Năm 2015 đã bắt đầu với nhiều tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và thuận lợi cho sự phát triển của DN. Trong năm nay Việt Nam sẽ kết thúc việc đàm phán và ký Hiệp định TPP, FTA với các đối tác và chính thức bước vào lộ trình cạnh tranh quốc tế một cách hoàn toàn nhất.
Trong năm 2015, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, cũng như cải cách sâu rộng các thủ tục hành chính cũng sẽ giúp các DN Việt Nam hoạt động ổn định hơn, thuận lợi hơn và phát triển tốt hơn.
Bà Bùi Thu Thủy đề xuất một số giải pháp cơ bản hỗ trợ phát triển DNNVV trong thời gian tới.
Thứ nhất là tái cơ cấu thị trường tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV bằng cách đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tư nhân tiếp cận vốn với lãi suất và điều kiện cho vay phù hợp.
Cần đưa nhanh Quỹ phát triển DNNVV vào vận hành, hỗ trợ vốn cho DN. Đồng thời có cơ chế thúc đẩy các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động ở Việt Nam; cần có cơ chế hợp tác với các quỹ đầu tư mạo hiểm cùng đầu tư vào các DNNVV đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ chuyển giao, đổi mới công nghệ, chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh cho DN.
Thứ ba, cần có chính sách quy định tỷ lệ tối thiểu mua sắm của các cơ quan Nhà nước ưu tiên dành cho DNNVV, tạo cơ hội mở rộng thị trường cho DNNVV.
Lưu ý về việc các DN cần chuẩn bị kỹ càng khi hội nhập, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) nhấn mạnh: 2015 là năm cuối cùng để thực hiện giảm các dòng thuế về 0% đối với hầu hết các mặt hàng, còn các FTA khác sẽ được cắt giảm rất mạnh. DN cần phải biết Việt Nam đang mở cửa đến đâu để có lộ trình cho sự chuẩn bị nhằm vượt qua những tiêu chuẩn cần thiết.
Chia sẻ về môi trường kinh doanh trên thế giới, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, bên cạnh việc cụ thể hóa Luật DN, năm nay chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa kỷ luật thị trường thông qua các chế tài chống hàng giả, hàng nhái… Cùng với đó, việc thực hiện Luật Cạnh tranh cũng sẽ được đẩy mạnh hơn.
Nguồn www.chinhphu.vn