Nguyễn Thanh Hoan
Giám đốc Sở Công Thương
|
Đồng chí Nguyễn Thanh Hoan Giám đốc Sở Công Thương |
(NTO) Khép lại năm 2014, ngành Công nghiệp (CN) tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Có thể minh chứng điều này qua sự so sánh: Nếu ở thời điểm quý IV-2012, tổng giá trị sản xuất toàn ngành chỉ đạt 1.879 tỷ đồng, thì đến quý IV/2014 đã đạt con số 2.753 tỷ đồng, đưa mức tăng trưởng lên 26,6% và chỉ số sản xuất CN (IIP) tăng 28,1% so với năm trước. Điều đáng quan tâm là trong 20 sản phẩm CN chủ yếu, đã có đến 14 sản phẩm tăng so với cùng kỳ, trong đó có 8 sản phẩm tăng trên 20%.
Góp phần vào sự tăng trưởng chung đó, ngoài các sản phẩm truyền thống như: Xi-măng tăng 30%; gạch không nung tăng 2,3 lần; muối các loại tăng 40,8%; đường RS tăng 24,4%; tinh bột mì tăng 23,9%, còn có sự góp mặt của một số sản phẩm mới như: Dệt khăn bông tăng 5 lần, tôm đông lạnh tăng 89,7%..., đặc biệt, sản phẩm bia đóng lon của Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận đã phát huy công suất đạt 52 triệu lít, doanh thu đạt 888,3 tỷ đồng, nộp ngân sách 400 tỷ đồng. Đó là chưa kể các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực tiểu-thủ công nghiệp và làng nghề đang duy trì sản xuất ổn định, góp phần không nhỏ vào giá trị sản xuất chung của ngành.
Công ty TNHH May Tiến Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. Ảnh: Văn Miên
Có được kết quả trên, là do tỉnh đã thực hiện kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp (DN) cũng rất nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục đầu tư mở rộng cơ sở để phát huy năng lực sản xuất mới, đồng thời chủ động trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, đáng chú ý có một số DN như: Nhà máy Bia Sài Gòn-Ninh Thuận, Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, Công ty TNHH May Tiến Thuận..., không chỉ khẳng định vị trí “đầu tàu” của mình, mà còn năng động “tiến ra” các tỉnh bạn để mở rộng phạm vi hoạt động, với những sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường trong nước, mà còn có khả năng xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước Châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Song hành với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành, lĩnh vực đầu tư sản xuất CN nhằm tạo năng lực tăng trưởng mới cũng đang “trên đà tăng tốc”. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 194 dự án đầu tư vào ngành CN, với tổng giá trị nguồn vốn đã vượt con số 47.230 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là lĩnh vực CN chế biến với 130 dự án, tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng; tiếp đó là công nghiệp khai thác 46 dự án, vốn đầu tư trên 1.318 tỷ đồng và công nghiệp điện, nước 18 dự án (gồm điện gió 17 dự án, tổng công suất 1.359 MW, tổng vốn đầu tư 43.416 tỷ đồng và 1 dự án điện mặt trời, quy mô công suất 50 MW). Riêng trong năm 2014 đã có thêm 5 dự án đầu tư mới hoàn thành đi vào hoạt động là: Nhà máy Sản xuất Khăn bông Quảng Phú; Nhà máy Chế biến Tôm Xuất khẩu số 2 của Công ty TNHH Thông Thuận; Nhà máy Sản xuất Sản phẩm EPS (bao bì xốp); Dự án Đầu tư Khai thác, chế biến khoáng sản ti-tan (Công ty Khoáng sản Sài Gòn-Ninh Thuận) và Nhà máy Chế biến Rong sụn (Công ty Cổ phần Rau câu Sơn Hải) đã góp phần tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng của ngành.
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: DA
Ngoài những dự án lớn có tính chất đột phá kể trên, hiện tỉnh ta còn có hàng chục dự án khác đã và đang tiếp tục đầu tư như: Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông có công suất lắp đặt 9,9MW, dự kiến vào cuối năm 2015 đi vào hoạt động; Dự án Điện gió Công Hải 1, công suất lắp đặt 3MW, được khởi công từ tháng 5-2014, dự kiến Quý I/2015 sẽ kiểm tra, vận hành thử nghiệm. Bên cạnh đó, tỉnh còn đang ”ấp ủ” nhiều dự án lớn đang trong giai đoạn thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, như: Dự án Khai thác, chế biến xỉ ti-tan của Công ty VINAMINCO – Ninh Thuận; Dự án Thủy điện Tân Mỹ; các dự án phong điện Mũi Dinh của Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh và Phước Hữu của Công ty TNHH MTV EAB Viet Wind Power...
Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha. Ảnh: Văn Miên
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc xây dựng quy hoạch chung cân đối, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên mang tính đặc thù của địa phương với các tiểu vùng kinh tế, hiện tỉnh ta đã phê duyệt quy hoạch chi tiết thêm 4 cụm CN, nâng tổng số trên địa bàn tỉnh ta lên 7 cụm CN. Trong đó, cụm CN Quảng Sơn và Tri Hải đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, 2 cụm CN Hiếu Thiện, Suối Đá đang kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng. Riêng cụm CN chế biến thủy sản tập trung, diện tích 17 ha hiện đang được huyện Thuận Nam triển khai lập quy hoạch chi tiết tại địa bàn xã Phước Minh. Cùng với đó, tỉnh ta còn ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời xây dựng nhiều “cửa mở” để các DN nội tỉnh tiếp xúc với thị trường chung của khu vực. Cách làm này không chỉ khuyến khích được các DN trong tỉnh phát huy tốt nội lực mà còn có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết được với các DN trong, ngoài nước để sản xuất, kinh doanh, tạo sức bật mới để vươn lên không chỉ trong năm 2015 và cả những năm tiếp theo.