Huy động tốt nhất nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh nhà

(NTO) Triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong tỉnh khó khăn nổi lên là tình hình nắng hạn kéo dài đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Đồng chí Phạm Đồng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã bám sát và cụ thể hóa kịp thời các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 sát tình hình thực tế của địa phương.

Với tinh thần vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh, cùng với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2014 tiếp tục được duy trì ổn định và chuyển biến khá tích cực, có 13/15 chỉ tiêu năm 2014 đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng GDP đạt khá, tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 12,4%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; GDP bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng, rút ngắn nhanh hơn khoảng cách chênh lệch so với các tỉnh trong khu vực và cả nước; thu ngân sách vượt kế hoạch, đạt 1.700 tỷ đồng, bằng 113,3% dự toán năm, đã về trước 1 năm so với mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011-2015 (1.700 tỷ đồng); quy mô sản xuất các ngành tiếp tục được mở rộng, nhiều năng lực mới tăng thêm, tốc độ tăng trưởng các ngành lĩnh vực đều tăng (nông- lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,4%, công nghiệp-xây dựng tăng 20,9%, dịch vụ tăng 10,6%).

Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển dài 116 km; đồng thời tập trung thi công các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 27- đoạn qua Ninh Thuận; triển khai công tác đền bù, di dân tái định cư các dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh.

Cầu An Đông thuộc tuyến đường ven biển (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)
đang được tập trung xây dựng. Ảnh: Hồng Lam

Lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng; công tác chăm lo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được quan tâm thực hiện tốt hơn, triển khai kịp thời hỗ trợ gạo cho các hộ bị thiệt hại do nắng hạn, đã góp phần giải quyết khó khăn về đời sống nhân dân...

Năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Theo nhiều dự báo thì năm 2015 tình hình kinh tế thế giới, trong nước vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức đan xen. Mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 đó là: ”Tập trung huy động tốt nhất các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; cải thiện tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2011-2015”. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11-12%, thu ngân sách đạt 1.800 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,8%-2%, giải quyết việc làm mới cho 15,5 ngàn lao động.

Để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu nói trên, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2015 và những năm tiếp theo (2015-2020) cụ thể như sau:

Thứ nhất, huy động mọi nguồn lực để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội. Trong đó, tập trung ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư cho 6 cụm ngành ưu tiên, đặc biệt huy động vốn các thành phần kinh tế. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển như vốn ngân sách nhà nước, vốn FDI, ODA, BT... đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả cao nhất và đa dạng hóa các hình thức huy động vốn.

Thứ hai, là tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo sự thuận lợi theo hướng minh bạch, thân thiện, ổn định và để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển. Theo đó, trọng tâm là nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Phát triển Kinh tế để tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến thực hiện dự án tại tỉnh.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để đào tạo, nâng cao chất lượng lao động tại chỗ và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao. Với mục tiêu đa dạng về đội ngũ lao động có tay nghề và cán bộ quản lý doanh nghiệp, cán bộ kỹ thuật giỏi được thị trường lao động trong và ngoài nước chấp nhận.

Thứ tư, phát triển khoa học- công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư cải tiến và thay thế dần các công nghệ lạc hậu, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế như: chế biến nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm.

Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh và áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, tăng tính công khai minh bạch các thủ tục có liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, trọng tâm là công tác giảm nghèo ở các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, mở rộng hợp tác liên kết phát triển vùng, cả nước và hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất, kinh doanh, khai thác tốt các nguồn lực trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ môi trường, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch để phát triển bền vững.