Theo kế hoạch, vụ đông-xuân này toàn tỉnh gieo trồng 20.149 ha; trong đó, lúa 9.513 ha, giảm 5.631 ha so với vụ Đông-xuân trước. Việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất của ngành NN & PTNT theo hướng giảm diện tích cây trồng sử dụng nhiều nước, tăng diện tích cây chịu hạn. Tại Hội nghị triển khai phương án điều tiết nước cho sản xuất vụ Đông-xuân, tổ chức vào đầu tháng 1 vừa qua, đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN & PTNT, cảnh báo: Hạn hán năm nay gay gắt không kém đợt hạn cách đây 10 năm.
Mực nước hồ Sông Trâu xuống quá thấp, không đủ nước phục vụ tưới cho sản xuất vụ đông - xuân.
Ảnh: A.T
Hiện tại mực nước ở 20 hồ chứa xuống thấp, chỉ còn 44,37 triệu m3, đạt 23,8% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2013 là 101,57 triệu m3. Do thiếu nước, nên diện tích gieo trồng vụ này chủ yếu bố trí khu vực tưới thuộc hệ thống đập Nha Trinh - Lâm Cấm, Sông Pha và một số hồ lớn như Tân Giang, Sông Biêu, Suối Lớn (Thuận Nam), Nước Ngọt (Ninh Hải), Cho Mo (Ninh Sơn), Sông Sắt, Trà Co (Bác Ái), Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi (Thuận Bắc), La Ranh (Ninh Phước). Các hồ chứa còn lại ưu tiên cấp nước sinh hoạt và chăn nuôi, nếu thời gian tới có mưa, căn cứ vào lượng nước tích được sẽ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch gieo trồng cho phù hợp.
Khảo sát mới nhất của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, hiện tại chỉ có nguồn nước ở đập Nha Trinh - Lâm Cấm và Sông Pha là còn dồi dào, nhờ lượng nước chứa hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) đạt 161,92/165 triệu m3. Tuy nhiên, do mực nước hồ Đơn Dương đạt dung tích thiết kế, nên Nhà máy Thủy điện Đa Nhim xả dung lượng cao (20m3/s) dẫn đến tình trạng đầu vụ đông-xuân thì thừa nước, giữa vụ lại thiếu nước cho cây trồng phát triển. Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, cho biết: Vấn đề quan trọng để đối phó với tình hình hạn hán hiện nay là phải điều tiết nước luân phiên hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Đáng mừng là, tại buổi làm việc với lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Đa Nhim vừa rồi, tỉnh ta đã đạt được thỏa thuận xả nước với lưu lượng hợp lý. Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 2 mức xả của nhà máy là 10 - 12 m3/s; từ tháng 3 đến tháng 4 mức xả 15-16m3/s; từ tháng 5 đến tháng 6 mức xả 12-13m3/s. Sau khi nhà máy điều chỉnh xả nhỏ, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đã chủ động điều tiết nước luân phiên giữa các đập, các cống lấy nước đầu kênh Tây, kênh Đông thuộc hệ thống đập Sông Pha; kênh Bắc, kênh Nam thuộc hệ thống đập Nha Trinh - Lâm Cấm.
Được biết, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trong điều kiện hạn hán. Đồng chí Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Phương pháp hỗ trợ các biện pháp chống hạn của đơn vị là tiến hành xây dựng mô hình điểm gắn với tập huấn trực tiếp trên đồng ruộng tại các địa bàn sản xuất khô hạn để nông dân tham quan học hỏi làm theo.
Các huyện, thành phố cũng đang tập trung cao độ cho công tác chống hạn, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông-xuân phù hợp với điều kiện thực tế. Ninh Phước không phải là “tâm hạn” của tỉnh, nhưng địa phương đã xúc tiến rà soát, củng cố lại Ban Chỉ đạo phòng, chống hạn từ huyện đến xã, thành lập thêm các tổ theo nước; đồng thời, thu hẹp diện tích sản xuất lúa vụ Đông - xuân. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Vụ Đông-xuân này có 100 ha đất lúa lấy nước tưới từ hồ Bàu Zôn, Tà Ranh chuyển qua trồng cỏ chăn nuôi và các loại rau, đậu, bắp, vì vậy diện tích lúa giảm xuống còn 4.200 ha so với kế hoạch sản xuất; trong đó, có 3.900 ha thực hiện theo mô hình “1 phải, 5 giảm” để tiết kiệm nước.
Đối với các huyện hạn hán gay gắt như Thuận Bắc, Thuận Nam, Bác Ái cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn trong vụ này để tiết kiệm tối đa lượng nước. Riêng ở Bác Ái số diện tích đất không sản xuất trong vụ mùa vừa qua bà con chuyển qua trồng mỳ, mía. Đồng chí Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Huyện đã chỉ đạo phòng chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng các mô hình luân canh, xen canh để giải quyết lương thực tại chỗ.
Anh Tùng