Bộ trưởng Thương mại và Hợp tác Phát triển Đan Mạch Mogens Jensen dẫn đầu một phái đoàn gồm 18 doanh nghiệp hàng đầu tại Đan Mạch đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.
Chuyến thăm lần này của đoàn tập trung hợp tác với Việt Nam trong 4 lĩnh vực là nông nghiệp, năng lượng, giáo dục và y tế, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm nhất.
Tại Hội thảo tăng cường hợp tác kinh tế giữa Đan Mạch và Việt Nam diễn ra chiều ngày 19/1, bà Karen Haekkerup, Giám đốc điều hành Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch cho biết, Đan Mạch có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm với công nghệ thân thiện với môi trường. Đặc biệt, Đan Mạch là nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực thịt và sữa trên thế giới.
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm tới 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch, tốc độ tăng trưởng sản phẩm nông nghiệp luôn cao, nhưng tác động tới môi trường lại giảm xuống.
“Chăn nuôi được cho là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng ở Đan Mạch, chúng tôi nuôi 2 con heo hiện nay chỉ tác động tới môi trường bằng nuôi 1 con heo cách đây 30 năm. Vì vậy, chúng tôi muốn mang công nghệ này để hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam”, bà Karen Haekkerup cho hay.
Trước đây, Đan Mạch hầu như chỉ quan tâm tới lĩnh vực năng lượng, thì nay đã quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Theo nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo, Đan Mạch đang nhắm tới một số thị trường ở khu vực châu Á để đa dạng hóa thị trường, thay thế thị trường Nga trong bối cảnh châu Âu và Nga đang có những căng thẳng chính trị.
Cũng tại buổi hội thảo này, các DN Đan Mạch và Việt Nam đã ký kết 3 hợp đồng, trong đó có 2 hợp đồng thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể: Công ty Vissing Agro A/S Đan Mạch ký kết hợp đồng cung cấp 1.048 chuồng lợn đẻ cho CTCP Chăn nuôi Thái Dương Sun Group Việt Nam; Công ty Danbred (Đan Mạch) đã ký hợp đồng với Tập đoàn Dabaco (Việt Nam) về việc cung cấp 300 lợn giống cho Tập đoàn.
Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, Haldor Topsoe Đan Mạch và Petro Việt Nam cũng ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong chế biến dầu khí, trong đó sử dụng công nghệ tối ưu và thân thiện với môi trường của Topsoe.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thương mại giữa Đan Mạch và Việt Nam đã tăng trưởng tích cực kể từ năm 2009. Đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam tăng gần gấp 3 lần, trong khi đó đầu tư từ Việt Nam vào Đan Mạch tăng gần gấp đôi trong cùng thời kỳ.
Đan Mạch cũng là một trong những nước viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lớn nhất, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu và môi trường. Kể từ năm 1994, Đan Mạch đã hỗ trợ phát triển cho Việt Nam số tiền 1,3 tỉ USD.
Nguồn www.chinhphu.vn